Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV:

Cần đảm bảo quản lý chặt chẽ sử dụng vốn nhà nước

.

Sáng 24-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Phóng viên TTXVN ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Không mở rộng phạm vi áp dụng với công ty con của doanh nghiệp nhà nước

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu. Ảnh: TTXVN

Trong dự thảo Luật Đấu thầu có mở rộng phạm vi áp dụng luật đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Việc này đồng nghĩa mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu rất rộng.

Mặt khác, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn có các cơ chế giám sát khác. Do đó, không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

Nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của nhà nước.

Thậm chí, việc này này có thể tác động đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang): Cần quy định lựa chọn thầu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà. Ảnh: TTXVN

Đối với quy định về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước, dự thảo Luật Đấu thầu cần quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi nào sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước, ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở này, những doanh nghiệp có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Quy định như vậy sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối. Từ đó sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình tại Quốc hội ngay tại hôi trường thảo luận.

Tại dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước. Dự thảo luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của luật này.

Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.

Phương án Chính phủ trình đã phù hợp với các quan điểm của Nghị quyết số 12/NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.