Kinh tế
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch
Nhân lực là yếu tố được các doanh nghiệp du lịch quan tâm, nhất là giai đoạn cao điểm đón khách. Việc xây dựng nguồn nhân lực bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. Do đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân sự.
Nhân viên của các công ty du lịch trên địa bàn thành phố đang cung cấp thông tin cho du khách tại sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022. Ảnh: THU HÀ |
Doanh nghiệp tự đào tạo
Từ nhiều năm nay, Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) thường xuyên có các chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Theo ông Đặng Như Đà Thành, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng, việc thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và kiểm tra kiến thức dành cho đội ngũ nhân sự góp phần duy trì phong độ làm việc cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn đối với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc khách du lịch như hướng dẫn viên, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên maketing. Các khóa đào tạo này thường được kết hợp nhiều nội dung khác nhau như: nhân sự hướng dẫn viên thì được cập nhật kiến thức, chính sách mới, chia sẻ các kinh nghiệp khi đi tour trong và ngoài nước; nhân viên bán hàng thì được đào tạo các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng tư vấn bán hàng….
Anh Đinh Viết Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, Đào tạo viên theo chuẩn VTOS (Vietnam Tourism Occupational Skills Standards - bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch, khách sạn, nhà hàng) cho hay, thời gian quan hội hướng dẫn viên thường xuyên có các buổi tập huấn, đào tạo dành cho các hội viên. Các hoạt động du lịch nhất là du lịch quốc tế sau vài năm phải tạm dừng vì dịch bệnh, nếu không được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức sẽ bị quên dần, cộng với lâu ngày không đi tour thì các kỹ năng, ngôn ngữ cũng bị lãng quên. Vì thế, hội tổ chức các khóa tập huấn thiên về kỹ năng như thuyết minh (tiếng Việt, tiếng Anh) hoạt náo, các trò chơi nhóm, ảo thuật… Bên cạnh đó có thêm các lớp tập huấn về kiến thức thuyết minh các khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố và các điểm lân cận. “Nhờ những khóa tập huấn thường xuyên, liên tục như vậy nên khu du lịch quốc tế mở cửa trở lại, đội ngũ hướng dẫn viên tự tin đưa khách đi ra nước ngoài mà không có nhiều trở ngại”, anh Hải cho hay.
Phó Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, sau dịch bệnh, xu hướng đi du lịch của khách có nhiều thay đổi, khách thường thiên về trải nghiệm, nghỉ dưỡng nên những người làm du lịch cần quan tâm hơn đến vấn đề này. Doanh nghiệp không chỉ bán các gói dịch vụ, lưu trú mà cùng với đó là mang đến những trải nghiệm, cảm xúc của khách. Nếu nhân sự được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp sẽ mang đến cho khách sự trải nghiệm tốt nhất.
Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến việc tự đào tạo, nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực. TRONG ẢNH: Hướng dẫn viên (cầm cờ) dẫn khách tham quan tại Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.H |
Tăng cường các khóa tập huấn ngắn hạn
Theo số liệu của Sở Du lịch, tính đến hết năm 2022, Đà Nẵng có khoảng trên 35.000 lao động đang làm việc trong ngành du lịch, tăng 127% so với cùng kỳ năm 2021, nguồn nhân lực phục hồi tương đương 69% so với năm 2019 (thời điểm trước Covid-19). Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, cùng với tỷ lệ phục hồi các thị trường khách du lịch, các doanh nghiệp đã chủ động tuyển dụng đủ số lượng lao động phục vụ.
Tuy nhiên, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh một bộ phận nhân viên cũ của ngành du lịch đã chuyển nghề hoặc chuyển đến địa phương khác, không có nhu cầu quay trở lại ngành. Các doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí lãnh đạo, quản lý, trưởng bộ phận, nhân viên có trình độ ngoại ngữ làm việc tại các vị trí như điều hành; nhân viên chăm sóc khách hàng với các ngôn ngữ tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật... Ngoài ra, mức lương và chế độ ưu đãi đối với các vị trí cao cấp tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố chưa thực sự hấp dẫn, khó thu hút lao động chất lượng cao quay trở lại ngành.
Để khắc phục khó khăn về nguồn cung nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp thuộc khối khách sạn được quản lý bởi các tập đoàn quốc tế đã tuyển dụng lao động người nước ngoài đối với các vị trí quản lý cấp cao, đầu bếp... Đối với các tập đoàn khách sạn trong nước, các đơn vị có sự linh động trong việc luân chuyển nội bộ nhân sự từ các tỉnh, thành phố khác đến giữ các vị trí quản lý và trưởng bộ phận. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn chủ động triển khai hoạt động đào tạo tại chỗ về nghiệp vụ, đào tạo chéo nhân viên các bộ phận. Một số đơn vị lớn đã có trung tâm đào tạo riêng cho nhân sự của doanh nghiệp như Furama Resort Danang (Học viện Đào tạo IBH Academy), Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Mặt trời (Sun Group)…
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Du lịch đã tổ chức 13 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực ngành du lịch, tập trung vào các nội dung doanh nghiệp cần như: kiến thức chuyển đổi số, tư duy dịch vụ, kỹ năng, thái độ phục vụ khách chuyên nghiệp, kiến thức nghiệp vụ du lịch cho hướng dẫn viên, lái xe, lái tàu và nhân viên phục vụ. Tới đây, sở có thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp cho lao động đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ ăn uống như phục vụ rượu vang, thực hành chế biến các món truyền thống, địa phương, vùng miền và món ăn Halal (cho người Hồi giáo) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nội địa và quốc tế.
“Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực ngành du lịch được đổi mới cả về nội dung chương trình và phương thức. Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự chủ động tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên của đơn vị”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay.
THU HÀ