Kinh tế
Dự án đường vành đai phía tây có về đích trong năm 2023?
Dự án đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) có chiều dài hơn 19km, khởi công vào tháng 9-2018 với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc và sau 3 lần gia hạn tiến độ, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Liệu các nhà thầu có kịp hoàn thành tuyến chính trong năm 2023?
Một số đoạn tuyến thuộc dự án đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: THÀNH LÂN |
Công trình do liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) thi công đi qua 5 xã của huyện Hòa Vang gồm: Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên; tổng diện tích thu hồi 1.325.703m2 với 1.607 hồ sơ (bao gồm 1.238 hồ sơ đất nông nghiệp, đất khác và 369 hồ sơ đất ở), di dời 1.192 ngôi mộ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đơn vị chủ đầu tư), dự án hiện có 1.510/1.607 hồ sơ đã giải phóng mặt bằng, trong đó đất ở là 275/369 hồ sơ, đất nông nghiệp và đất khác là 1.235/1.238 hồ sơ.
Tuy số mồ mả cần di dời đã hoàn thành nhiều, nhưng vẫn còn 93 hồ sơ chưa bàn giao chủ yếu tại phạm vi nút giao quốc lộ 14B. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Minh Huy cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang ưu tiên giải tỏa 4 hồ sơ (465, 467, 469, 470) để đấu nối thông tuyến ra quốc lộ 14B.
Hiện nay đơn vị chức năng đã phê duyệt giá trị đền bù hỗ trợ của 4 hồ sơ này và đã mời các hộ nhận tiền, song các hộ đang vướng thủ tục lập ủy quyền nên chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng
Trong khi đó, theo Sở Giao thông vận tải, tiến độ thi công hoàn thành dự án chậm trễ so với kế hoạch ban đầu. Việc thi công chậm trễ trong giai đoạn trước đây (2018-2021) chủ yếu do nguyên nhân giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, mặt bằng “da beo”; đồng thời ảnh hưởng của Covid-19, điều kiện thời tiết bất lợi, cũng như năng lực nhà thầu thi công (Cienco 1) chưa đáp ứng yêu cầu tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng.
Đến năm 2022, công tác bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn thành, nhưng do việc bàn giao mặt bằng đã chậm trễ, kéo dài nhiều năm đã gây thiệt hại về tài chính cho nhà thầu.... Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, mặc dù không còn vướng mắc lớn về giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ thi công của nhà thầu vẫn không đáp ứng yêu cầu.
Tháng 12-2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và điều chuyển khối lượng còn lại sang Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã có công văn gia hạn tiến độ hoàn thành công trình đến ngày 30-9, riêng nút giao thông quốc lộ 14B (hiện chưa bàn giao mặt bằng) hoàn thành 6 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng, tuy nhiên, nhà thầu đang xin gia hạn đến ngày 31-12-2023…
Đơn vị thi công đang quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2023. Ảnh: T.L |
Mới đây, tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố, ông Huỳnh Bá Thành, Tổ đại biểu huyện Hòa Vang, chất vấn: đường vành đai phía tây đã quá hạn hoàn thành nhưng đến nay vẫn còn dang dở, mặc dù được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành công trình là tháng 12-2020, gia hạn đến tháng 9-2022, rồi giãn ra đến tháng 12-2022. Vậy nhưng, đến nay vẫn còn rất nhiều khối lượng công việc cần phải thực hiện.
Ông Nguyễn Tấn Lũy, người dân thôn Gò Hà, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) than phiền: “Do vướng dự án nên người dân không thể di chuyển qua đoạn đường này, các em học sinh cũng phải đi đường vòng để đến trường. Ngoài ra, công trình còn bị rào chắn nên hầu như các loại xe tải, xe cơ giới đều đi vào đường thôn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông”.
Ông Nguyễn Minh Huy thông tin thêm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công hoàn thành tuyến chính trước ngày 30-9-2023 theo tiến độ yêu cầu của UBND thành phố.
Do đó, tiến độ trên công trường đã được cải thiện rõ rệt. Trong khi đó, theo Sở Giao thông vận tải, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang nỗ lực, tập trung nhân lực, vật lực để triển khai thi công công trình nhưng tiến độ thực tế vẫn chậm do công tác nhận bàn giao giữa 2 đơn vị nhà thầu Cienco 1 và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn gặp nhiều khó khăn. Sở đang yêu cầu nhà thầu Trường Sơn tăng cường nhân vật lực, thi công liên tục, tăng ca, tăng kíp để bù lại tiến độ chậm trễ, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu của UBND thành phố...
Có thể thấy, do đặc thù công trình tuyến đường được xây dựng mới, lộ thiên trải dài theo tuyến (hơn 19km) tiếp giáp đất sản xuất, nhà cửa dân cư hai bên đường, chịu tác động trực tiếp của thời tiết và gây tác động đến khu vực tiếp giáp; thiết kế nền đường đào sâu, đắp cao qua các khu vực địa hình đồi núi, địa chất biến đổi chịu tác động hiện tượng sạt trượt; quá trình thi công phát sinh nhiều nội dung thay đổi, điều chỉnh bổ sung thiết kế cần thời gian lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt trước khi thi công.
Các yếu tố nêu trên cũng góp phần tác động đến tiến độ thi công công trình. Hiện nay, khối lượng thi công công trình đã đạt khoảng 80%; tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã có công văn trình UBND thành phố báo cáo vướng mắc, khó khăn và cam kết hoàn thành toàn bộ công trình vào ngày 31-12-2023.
THÀNH LÂN
Ngày 19-7-2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh. Theo đó, điều chỉnh không thực hiện đầu tư giai đoạn 2 (19,5km) của dự án cho phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021. Tổng chiều dài toàn tuyến sau điều chỉnh là 19,5km (tổng chiều dài tuyến được duyệt 39km). Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2017-2020 thành giai đoạn 2017-2024. Tổng mức đầu tư không thay đổi 1.499,776 tỷ đồng. Thực hiện chuyển nguồn vốn của giai đoạn 2 (365,743 tỷ đồng) bổ sung vào chi phí đền bù, chi phí dự phòng và chi phí xây dựng của giai đoạn 1. |