Kinh tế

Kinh tế từng bước phục hồi, vượt qua thách thức

06:04, 15/08/2023 (GMT+7)

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế thành phố dần phục hồi sau đại dịch và có nhiều khởi sắc, nhất là hoạt động du lịch; các chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tốt… Đây là kết quả từ việc triển khai kịp thời các giải pháp khôi phục và tăng trưởng kinh tế, chủ động đón đầu làn sóng đầu tư mới.

Giai đoạn 2021-2023, chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước tăng 2,7%/năm. TRONG ẢNH:Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Giai đoạn 2021-2023, chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước tăng 2,7%/năm. TRONG ẢNH:Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Phục hồi và tái cơ cấu các ngành kinh tế

Tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố (GRDP, giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,1%, trong đó dịch vụ ước tăng 9,2%, công nghiệp - xây dựng ước tăng 2,7%/năm, nông - lâm - thủy sản ước tăng 1,9%/năm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 3%/năm.

Trong tăng trưởng GRDP của thành phố hằng năm, khu vực dịch vụ luôn có mức đóng góp cao nhất, bước đầu hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn như: du lịch, dịch vụ thương mại, vận tải, tài chính, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNTT), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 13,46% (năm 2022), lớn nhất trong GRDP. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng ngành thủy sản, lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Từ giữa năm 2021 đến nay, ngoài thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh cùng với các giải pháp thích ứng, thành phố đã nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động về thương mại, du lịch, đầu tư.

Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15-3- 2022, thành phố đẩy mạnh xúc tiến thị trường quốc tế, tập trung khôi phục lại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á..., mở rộng các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, ưu tiên các phân khúc khách có khả năng chi trả cao như khách hội nghị, hội thảo MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), khách du lịch golf, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cưới...

Trong giai đoạn 2021-2023, tổng lượng khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 32,5%/năm. Trong đó, khách nội địa ước đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 29,4%/ năm; khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt, tăng 44,9%/năm. Tổng doanh thu lưu trú, lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 50,9%/năm.

Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa giai đoạn 2021-2023 ước đạt 11,3%/năm, dự kiến nhiệm kỳ đạt mức tăng bình quân là 10-11%/ năm (kế hoạch tăng 12-13%/năm).

Giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng bình quân 12,5%/năm, dự kiến cả nhiệm kỳ đạt mức tăng bình quân là 9-10%/năm (kế hoạch là tăng 8-9%/năm). Doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi, bưu chính và chuyển phát giai đoạn 2021-2023 ước tăng 13,8%/năm. Khối lượng luân chuyển hàng hóa ước tăng 6,9%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng ước tăng 4,2%/năm.

 Trong 3 năm qua, thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp CNTT; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng CNTT - truyền thông; tập trung thúc đẩy chuyển đổi số.

Theo đó, tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông thành phố giai đoạn 2021-2023 ước đạt 48.155,7 tỷ đồng, tăng 6,36%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 376,5 triệu USD, tăng 16,5%/ năm. Thành phố đạt được nhiều giải thưởng: 12 năm liên tục (2009-2021) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index); 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp Nhất khối các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp (2020- 2022) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam…

Lĩnh vực công nghệ thông tin luôn giữ đà phát triển và tăng trưởng. TRONG ẢNH: Các lập trình viên tại cuộc thi Unihack 2023. Ảnh: M.Q
Lĩnh vực công nghệ thông tin luôn giữ đà phát triển và tăng trưởng. TRONG ẢNH: Các lập trình viên tại cuộc thi Unihack 2023. Ảnh: M.Q

Tập trung thu hút đầu tư, triển khai các công trình trọng điểm

Năm 2023, thành phố tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu đầu tư công đến năm 2025. Tổng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1885/QĐ-UBND ngày 15-7-2022 của UBND thành phố là 45.867,3 tỷ đồng. Lũy kế đến năm 2023, thành phố phân bổ được 23.987,6 tỷ đồng, đạt 52,3% tổng nguồn kế hoạch trung hạn. Trong 2 năm cuối của kế hoạch trung hạn, thành phố phấn đấu phân bổ số vốn còn lại theo quy định.

Sau 2 năm triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 về danh mục các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, thành phố có 12 dự án và 1 dự án thành phần hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành; 17 dự án và 1 dự án thành phần triển khai đúng tiến độ; 25 dự án và 2 dự án thành phần đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Về phát triển khu vực đô thị trung tâm, thành phố đang xây dựng đề án Tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030.

Giai đoạn 2021 đến nay, thành phố tiếp cận, thúc đẩy hỗ trợ, tổ chức các buổi làm việc với 151 lượt nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn lớn, uy tín trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư và triển khai các dự án trên địa bàn.

Kết quả, thành phố thu hút được 72 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 65.469 tỷ đồng, trong đó 24 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao (KCNC), Khu CNTT với vốn đầu tư là 59.514 tỷ đồng và 48 dự án trong KCN, KCNC, Khu CNTT với vốn đầu tư là 5.955 tỷ đồng.

Thành phố có 155 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký là 227,6 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 760 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 209.916 tỷ đồng và 1.009 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 4,081 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2023, thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 10.342 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 51.224 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 37.862 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 247.183 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, thành phố đã bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020- 2025, từng bước ổn định, phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố.

Đặc biệt, thành phố đang tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu trình Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch thành phố, ban hành một số đề án, cơ chế, chính sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến dự án, đất đai... để tạo điều kiện phát triển thành phố thời gian đến.

MAI QUẾ

.