Kinh tế

Xã nông thôn mới nâng cao: Nỗ lực 'gắn sao' sản phẩm OCOP

13:24, 29/08/2023 (GMT+7)

Xây dựng, hình thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là nội dung quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Do đó, các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế, cải tiến và nâng cấp để “gắn sao” cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương.

Các xã cần chủ động tìm kiếm, xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong ảnh: Sản xuất bánh dừa nướng OCOP tiềm năng 5 sao tại Công ty TNHH Mỹ Phương Food tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT ÂN
Các xã cần chủ động tìm kiếm, xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, phù hợp với điều kiện của địa phương. TRONG ẢNH: Sản xuất bánh dừa nướng OCOP tiềm năng 5 sao tại Công ty TNHH Mỹ Phương Food tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT ÂN

Tìm kiếm sản phẩm mang thương hiệu địa phương

Năm 2020, xã Hòa Châu được UBND thành phố công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được xếp hạng đô thị loại V. Trong giai đoạn 2021-2025, xã đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 2853/QĐ-UBND và nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 2854/QĐ-UBND ngày 7-11-2022 của UBND thành phố. Đối với nhóm tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã đã hỗ trợ hộ kinh doanh Trần Thị Chung hoàn thiện hồ sơ đăng ký và được công nhận OCOP 3 sao năm 2022 với sản phẩm bánh tráng mè truyền thống Thi Chung. Đây là sản phẩm đầu tiên tại xã Hòa Châu được công nhận OCOP.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu Huỳnh Cao Trí, địa phương có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu, nhưng do quá trình đô thị hóa nông thôn, nhiều ngành nghề sản xuất bị thu hẹp, manh mún, nhỏ lẻ, nhân lực kế thừa hạn chế, đa phần là người lớn tuổi… khiến việc hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn. Địa phương sẽ tiếp tục rà soát các sản phẩm trên địa bàn để xây dựng, tạo thêm nhiều sản phẩm OCOP mới, đặc trưng của xã Hòa Châu; đồng thời, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện, duy trì và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng hạng OCOP, hướng tới hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024 và nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2025.

Tại xã Hòa Tiến từ năm 2013, nông dân trên địa bàn đã tập trung sản xuất gạo hữu cơ với diện tích gần 50ha. Đây là một trong những sản phẩm đặc trưng, cộng đồng, truyền thống và mang thương hiệu của địa phương; nền tảng để xây dựng vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP. Tuy vậy, sản phẩm vẫn chưa được chứng nhận OCOP do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan.

Trong năm 2023, UBND xã Hòa Tiến đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp, hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc chứng nhận VietGAP, vùng trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kho bãi dự trữ, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác… để đề xuất công nhận sản phẩm OCOP vào năm 2024. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của sản phẩm OCOP trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, xã đã và đang nỗ lực vận động, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, hoàn thiện hồ sơ. Đối với sản phẩm gạo hữu cơ Hòa Tiến, trong giai đoạn 2023-2025, xã sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất với tổng diện tích lên đến 100ha.

Động lực góp phần phát triển kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn, các tiêu chí công nhận xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 2853/QĐ-UBND của UBND thành phố được nâng cao hơn so với các giai đoạn trước và bám sát thực tiễn. Một số tiêu chí trong nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn như: mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã vùng… là động lực, mục tiêu phát triển, khuyến khích và nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn xã và huyện Hòa Vang. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng, mang thương hiệu địa phương, tạo đầu ra và nâng cao thu nhập, kinh tế của người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết, bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 nêu rõ, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương, còn thời hạn. Đồng thời, theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm OCOP là các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, được phân thành 6 nhóm, đa dạng các ngành, nghề, lĩnh vực.

Vì vậy, các xã cần rà soát, bám sát hướng dẫn để chủ động tìm kiếm, xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, phù hợp với điều kiện của địa phương. Một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện hiệu quả chương trình nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, việc xây dựng các sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy và phát huy vai trò của các chủ thể, tổ hợp tác, hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm OCOP 4 sao, 13 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó, xã Hòa Phong có 5 sản phẩm; xã Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Khương có 3 sản phẩm; xã Hòa Phước, Hòa Nhơn có 2 sản phẩm; xã Hòa Ninh, Hòa Châu, Hòa Bắc có 1 sản phẩm. Riêng hai xã Hòa Tiến và Hòa Liên chưa có sản phẩm được công nhận OCOP.

VIỆT ÂN

.