Du lịch
Giữ “mùa” khách Thái...
Từ nay đến giữa tháng 5 là khoảng thời gian khách Thái Lan vào miền Trung nhiều nhất. Tuy lượng người Thái đến Đà Nẵng tăng theo từng năm (năm 2007 đạt 32.000 lượt, tăng gấp đôi so với 2006 – PV), nhưng theo dự đoán của nhiều nhà làm tour, luồng khách này có thể “chựng” lại, nếu Đà Nẵng - miền Trung không có kế hoạch thu hút bền vững.
Luồng khách chi tiêu mạnh tay nhất trong thị trường khách Đông Nam Á
Nhiều ngày nghỉ của người Thái rơi vào tháng 4, khiến tháng này trở thành tháng cao điểm đón khách Thái của Đà Nẵng. Công ty Du lịch Xuyên Á chỉ mới khai thác khách Thái từ năm ngoái trở lại đây, nhưng quý 1 năm nay đã đón tới gần 1.000 lượt khách.
Từ nay đến giữa tháng 5 là mùa cao điểm đón khách Thái. Trong ảnh: Khách du lịch Thái thưởng thức ẩm thực tại Hội trại Thanh niên Gặp gỡ Bà Nà năm 2007. Ảnh: THỤC YÊN |
Ông Hồ Văn An, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Nhiều hãng lữ hành khác cũng đang nhắm vào thị trường tiềm năng này. Với mức chi tiêu vào các hoạt động mua sắm, ăn uống... khoảng 300 USD/người/chuyến đi 4-5 ngày, người Thái được xem là có khả năng chi tiêu “mạnh tay” hơn hẳn so với các luồng khách Đông Nam Á khác”. Đặc biệt, khách Thái Lan thường đi theo đoàn từ 10-30 người, lại hay ở tại các khách sạn lớn (từ 3 sao trở lên), nên doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú sẽ có lợi nhuận cao nếu khai thác tốt.
|
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Vitours, ông Cao Trí Dũng nhận định, khách Thái hiện đang dẫn đầu về số lượng du khách đến Đà Nẵng và miền Trung. Riêng Vitours mỗi tháng bình quân nhận “đều đều” 1.000 khách, tháng cao điểm lên tới 1.500 người. Các Công ty Nam Á, Cát Việt... cũng nhận khoảng 1.000 khách trong quý 1-2008.
Người Thái, đặc biệt là vùng Đông Bắc Thái thích chọn Đà Nẵng làm điểm đến. Theo ông Hồ Văn An, là “Đường đi dễ, gần, văn hóa, ẩm thực Đà Nẵng cũng gần gũi với họ”. Giám đốc Khách sạn Mỹ Khê, ông Nguyễn Ngọc Hồng lại kỳ vọng: “Vì Đông Bắc Thái nằm sâu trong lục địa, nên rất nhiều Việt kiều Thái ưa biển đẹp và đến Đà Nẵng tắm biển, sẵn dịp về thăm quê hương”. Và nhiều lý do khác như việc thông thoáng về đường đi, thủ tục xuất nhập cảnh, cơ sở hạ tầng tương đối v.v... đã khiến lượng khách Thái tăng mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây.
Sẽ “chững” lại nếu không có kế hoạch thu hút khách bền vững
Ông Hồ Văn An cho rằng: “Đa số người Thái vào Đà Nẵng như tìm điểm đến mới. Họ có thể ồ ạt đến trong hai năm đầu, nhưng chưa biết tương lai sẽ thế nào”.
Ngành du lịch Thái Lan và Đà Nẵng xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến. |
Ông Cao Trí Dũng cũng dự đoán: “Có nhiều khả năng luồng khách Thái sẽ “chững” lại trong vài năm tới. Do vậy, để thu hút luồng khách này một cách bền vững, du lịch Đà Nẵng cần phải đầu tư nhiều hơn về chất lượng dịch vụ, để khi người Thái về nước, họ sẽ rỉ tai nhau, và tiếp tục chọn du lịch Đà Nẵng”.
Một chuyên viên khối lữ hành (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết thêm, để tránh tình trạng “chững” lại khi lượng khách Thái đã đạt đến cực điểm, ngành Du lịch chủ động tổ chức các chương trình roadshow, hội nghị, hội chợ quảng bá du lịch, các chương trình famtrip (du lịch làm quen) mời các đoàn báo chí Thái Lan đến tìm hiểu và quảng bá du lịch Đà Nẵng. Song, chuyên viên này nói, khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng vẫn là thiếu hàng hóa, thiếu chỗ vui chơi nên rất nhiều khách đã “dồn” vào lưu trú ở Hội An hoặc Huế, vì thế, Đà Nẵng lại mất đi cơ hội làm cho du khách tiêu tiền.
Bài và ảnh: PHONG KHÁNH