.

Nhiều dự án du lịch chậm triển khai

.

Các dự án du lịch trên tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc sau một thời gian dài “ngủ yên”, nay bắt đầu “chuyển mình”. Tốc độ xây dựng của nhiều dự án đang chạy đua với thời gian, trong khi đó nhiều dự án vẫn án binh bất động, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch thành phố.

Còn ít dự án du lịch trên tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc khởi động.­

Thật ra, 21 dự án du lịch nằm dọc tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc nếu được xây dựng và hoàn thiện với tốc độ nhanh, thì các dự án sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng ngoài các thủ tục hành chính cần thiết và đẩy nhanh tiến độ thi công như, thỏa thuận nguyên tắc đầu tư, nhận đất, thiết kế xây dựng..., khâu đền bù giải tỏa đang là vấn đề các nhà đầu tư và chính quyền địa phương lo lắng.
 
Đúng theo nguyên tắc đầu tư, sau khi ký kết thỏa thuận với UBND thành phố Đà Nẵng, chủ đầu tư phải nhanh chóng nhận mặt bằng sau 6 tháng làm thủ tục hành chính và tiến hành nhận đất, đóng thuế đất. Vậy mà, nhiều dự án trên tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc lại thực hiện ngược với quy trình này, đã có dự án từ lâu nhưng lại chưa có đất, nhiều dự án còn phải “chờ” do khó khăn trong khâu giải tỏa đền bù.

Thậm chí có dự án thực hiện chậm, kéo dài gần 1 năm chỉ vì chưa giải tỏa được vài ha đất của các hộ dân nằm trong dự án! Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Đức Bình cho biết, UBND quận thực hiện rất triệt để và giải quyết đền bù, bố trí tái định cư thỏa đáng cho các hộ dân nằm trong các dự án du lịch.
 
Toàn tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc có diện tích 564,5 ha đất với 21 dự án du lịch, hiện nay ngoài khách sạn Furama đã được xây dựng và hoạt động, 5 dự án du lịch với diện tích 76,3 ha đã khởi động, thi công với tốc độ nhanh như dự án khách sạn Hoàng Trà 4,3 ha, khu du lịch Mỹ Phát 7 ha, khu du lịch Thiên Thai 28 ha, Silver shoros Resort (20 ha) , dự án Sân gôn của VinaCapital 260 ha. Còn lại 15 dự án du lịch chưa triển khai xây dựng với tổng diện tích đất 481,8 ha.

Quận Ngũ Hành Sơn đã không ngừng tuyên truyền cho người dân trong vùng dự án nhận thức về những lợi ích của các dự án du lịch sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, thế nhưng công tác giải tỏa đền bù mới đạt 80% trên tổng diện tích đất trong vùng quy hoạch, dẫn đến nhiều chủ đầu tư không thể nhận được đất xây dựng dự án.

Điều đáng nói là nhiều dự án xây dựng các hạng mục công trình rất đơn sơ với hàng rào bằng tôn, ít tốn  kém để “giữ đất”. 15 dự án du lịch vẫn còn “ngủ yên”, đó là khu du lịch Địa Cầu 13,1 ha, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng 12 ha, khu du lịch Indochina Land Holdings 2LP 20 ha, khu du lịch Hoàng Anh Gia Lai 4,5 ha, khu du lịch Sao Việt - Non Nước 12,7 ha, khu du lịch Nam Khang 20 ha, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội 7 ha, P và I Resort 10 ha, Khu du lịch QUDOS 10 ha, Công ty Thương mại Hà 15 ha.

Trưởng ban Quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc, ông Phan Văn Tựu cho biết, được UBND thành phố giao quản lý 8 dự án du lịch trên tuyến đường ven biển, mặc dù thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án thực hiện đúng theo cam kết và quy định của thành phố, nhưng nhiều dự án vẫn chưa thực hiện được với 2 lý do: Thứ nhất, các dự án không thể khởi công được là do quy hoạch của dự án chưa hoàn chỉnh, quy hoạch để triển khai thi công của các nhà đầu tư hiện nay không đúng với quy hoạch xây dựng của thành phố như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng... Thứ hai, có 4 dự án du lịch còn vướng đền bù giải tỏa.

Thiết nghĩ, với tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, thành phố cần có quy định và chế tài đối với các dự án du lịch triển khai chậm có nguy cơ chiếm đất. Cụ thể, cần quy định rõ về thời gian từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành dự án trong quy hoạch và thỏa thuận cam kết đầu tư. Bên cạnh đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn cần đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù để sớm giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.
    
Bài và ảnh: TRẦN MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.