.

Cuộc xuất hành đầu năm từ Đà Nẵng

.

Quảng trường Nhà hát Trưng Vương đang còn mơ màng bởi tiết Xuân sớm đang độ đẹp nhất của mồng 6 Tết đã bị đánh thức bởi không khí rạo rực, háo hức của Đoàn lữ hành 160 sinh viên Đà Nẵng lần đầu tiên xuất ngoại!

Sinh viên Đà Nẵng giao lưu tại Làng Hữu nghị Việt - Thái Lan - Nakhon-Phanom ngày 2-2-2009.

Khắp các ngả đường của thành phố từ Hòa Khánh, Sơn Trà, Non Nước, đến Hòa Vang, Cẩm Lệ... các bạn đã được bố mẹ, anh chị, người yêu, bạn bè đưa đến bằng xe máy, xe con, taxi... từ lúc còn chưa nhìn rõ mặt người, ai cũng nai nịt gọn gàng, ba lô, áo lạnh khí thế quân hành hoành tráng...

Không khí của những ngày làm lễ Xuất quân tiễn đưa nhau đi làm nghĩa vụ quân sự của những ngày đầu Giải phóng thành phố bỗng bồi hồi sống lại trên khuôn mặt của những thầy cô Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Duy Tân, Cao đẳng Đông Á, Du lịch Việt Úc, Du lịch Thăng Long... Ngày xưa ấy chính mình lên đường đi bộ đội, còn bây giờ thì tiễn đưa những đứa con của mình đi du lịch nước ngoài bằng đường bộ hàng ngàn cây số, với những cuốn hộ chiếu còn mới tinh khôi, cuốn hộ chiếu đầu tiên trong đời...

Nhà báo Thế Thịnh bên cạnh cậu quý tử, sinh viên năm thứ 3 từ Đại học Huế vào tham gia, cao hơn hẳn bố một cái đầu nhưng vẫn cứ non tơ làm sao ấy.

- Lo chứ,  có phải chỉ con tui mô, cả mấy đứa bạn hắn nữa!

 Mấy bà mẹ lo hơn nhưng có vẻ tự hào vì các cô gái đã sống tự lập ở trường quen rồi, các em tỏ ra chu đáo và tự tin lắm vì bây giờ em nào cũng có handphone, thậm chí đã raoming luôn cho chắc! Và ba lô thì còn đầy quà Tết và tiền lì xì, quá yên tâm, lên đường !

 Đoàn lữ hành trên 4 xe tour chở sinh viên của 8 trường Đại học, Cao đẳng du lịch Đà Nẵng rộn rã dạo quanh một vòng trong tiếng nhạc quân hành, đánh thức mùa Xuân và chào thành phố quê hương... rồi trực chỉ đi về phía Tây của hành lang kinh tế  EWEC.

Mỗi xe ngoài thầy cô giáo, lớp trưởng, lớp phó đi theo còn có hai hướng dẫn viên của Vietravel làm nhiệm vụ chuyên môn trên đường, nhưng thật không dễ dàng với một đoàn khách đông, sôi động hơn cả Quỷ - đó là sinh viên ngành du lịch! Xe chưa kịp dừng là máy ảnh một tay, bút sổ một tay sẵn sàng tác nghiệp ngay, các bài học về nghiệp vụ, các dặn dò kỹ lưỡng của Thầy Sáu hướng dẫn viên thật dễ quên khi trước mắt các em là Quốc môn Lao Bảo hoành tráng, mới nghe, mới thấy lần đầu! Kỷ luật, kỹ thuật làm tờ khai xuất cảnh ư? Nếu Ban tổ chức không được Công an Cửa khẩu hỗ trợ cho nhập vào máy trước, thì còn lâu mới qua được đất Lào theo đúng lịch đón của Sở Du lịch bạn ngay tại Den-sa-van.

Thế là đầu xuôi, thế là khai sổ!

Thế là xuất ngoại, nhẹ nhàng, nhanh chóng, vui vẻ và đã có khá nhiều ảnh để kháo nhau... nào là Lao Bảo, Khe Sanh, đường 9 - Nam Lào, cầu treo Đăkrông... tất cả đã lùi lại phía sau.

Bên kia là đất Việt, bên này là đất Lào anh em..., trùng điệp núi rừng, những địa danh mới nghe lần đầu không thể nhớ nỗi: Chợ Ca-rôn, ngã ba Mường Phìn, ngã tư SENO (sud-east-nord-ouest). Tại sao lúc thì gọi là Savannakhet, lúc thì chỉ là Sa-vẳn, Sa-vẳn có nghĩa là thiên đường. Tại sao Lào nghèo thế và dân ít thế nhưng lại được những người du lịch sành điệu trên khắp thế giới chọn làm điểm đến thú vị, nhất là sinh viên... vì đất nước này thanh bình thật, người dân Lào hiền lành thật!

Biết bao điều mới lạ ghi không xuể! Cả những câu chuyện kể trên đường của thầy, của bạn cũng phải nhanh tay ghi lại, nhất là các bạn ngành văn hóa học và khoa học xã hội-nhân văn... làm không kịp tay! Xuống xe chưa kịp rửa tay lau mặt đã gọi đi ăn, check-in khách sạn và thay đồ... make-up để đi giao lưu! Bạn đón sinh viên Việt Nam hoành tráng và nhiệt tình quá! Có cả Chủ tịch đoàn và ghế ngồi cho tất cả mọi người, Tổng lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam làm nhiệm vụ chính là bảo vệ công dân mình ở nước ngoài, bây giờ hội nhập quốc tế thì làm cả kinh tế, du lịch và ngoại giao văn hóa. Anh Hợi vui mừng nói chuyện với sinh viên Đà Nẵng:

- Tôi ở Lào nhưng đã xem được Lễ xuất phát của các em từ sớm trên Chương trình Thời sự VTV1 và chuẩn bị đón tiếp, vì các em mới xuất ngoại lần đầu mà cũng là Đoàn du lịch đông nhất xông đất Lào đầu năm 2009, quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình Năm du lịch thanh niên ASIAN - 2009 của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch vừa được ký kết tại Hà Nội.

Đồng chí Vilayvanh Phomkhe, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Savannakhet cảm ơn Đoàn du lịch sinh viên dù chỉ có 3 đêm xuất ngoại nhưng đã dành một đêm ngủ lại trên mảnh đất Thiên đường yên lành Sa-vẳn, quê hương của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Phiên dịch của Tỉnh trưởng là cựu sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhưng mọi người đã ồ lên thú vị khi vị Tỉnh trưởng chuyển sang nói tiếng Việt một cách trôi chảy rõ ràng hơn với sinh viên Đà Nẵng về quan hệ tình cảm gắn bó của mình với thành phố biển xinh đẹp mà tháng hè nào ông cũng cố gắng qua tắm ở đấy, về sự giúp đỡ chân tình của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng đối với Savannakhet, nhất là các trường Đại học trong việc đào tạo con em sinh viên các bộ tộc Lào.

Trong đáp từ cảm ơn Tỉnh trưởng Savannakhet, anh Dương Đăng Cao, đại diện của Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tại Đà Nẵng, cơ quan khởi xướng Chương trình du lịch sinh viên-EWEC đã tranh thủ giới thiệu thêm cho sinh viên của mình về việc học ngoại ngữ, về lý do nói giỏi tiếng Việt của đồng chí Vilayvanh Phomkhe vì ông nguyên là một nhà ngoại giao lão luyện của nước bạn Lào, đã có nhiều năm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Lào tại thủ đô Hà Nội... Savannakhet là tỉnh duy nhất của Lào nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây, trong 5 năm trở lại đây đã khởi sắc hẳn, nhất là trên lĩnh vực du lịch với phố phường khang trang, sáng sạch do thành phố Đà Nẵng giúp đỡ nâng cấp, có Cửa khẩu quốc tế và cầu Hữu Nghị 2 hiện đại, có Resort khách sạn 5 sao bên bờ sông Mê-kông hùng tráng, có Casino Vegas-Savan sang trọng và sành điệu...

Bạn Lào đúng là thật thà và chắc là cũng khoái xem sinh viên Việt Nam quậy, nhảy... nhưng bạn chỉ có hai trường mà mình thì có đến 8 trường thì làm sao mà thi cho nỗi, Ban tổ chức đành phải cắt để dành sức vì chỉ mới qua ngày thứ nhất. Ngủ, 4 bạn một phòng khách sạn “hươ sô ” (2 sao) của Lào, đó là khuyến mãi, kích cầu du lịch thời khủng hoảng, mà Đoàn du lịch sinh viên là người hưởng lợi đầu tiên!

Hành trình mồng 7 Tết (1-2-2009)

Thạt-ing-hang là niềm tự hào về tiềm năng du lịch văn hóa và tín ngưỡng của Savannakhet, vì đây là một trong những ngôi Chùa nỗi tiếng và lâu đời nhất của Lào, nơi đang cất giữ một phần xá lợi của Đức Phật Thích ca. Chùa lại tọa lạc trong một khu rừng yên tĩnh, thiên nhiên trong lành, cách tỉnh lỵ Sa-vẳn không xa lắm, rất thuận lợi cho khách thập phương đến viếng.

Triết lý Phật giáo được tôn sùng, đạo Phật được xem như là Quốc giáo và với di sản chùa chiền, đền, tháp, thánh địa nổi tiếng trên khắp đất nước Lào và Thái Lan đã giải thích cho các bạn tại sao người Lào, người Thái họ hiền lành, dễ mến đến thế.

Bên bờ sông Mêkông mênh mông và cầu Hữu nghị hoành tráng, các bạn thay nhau chụp không biết cơ man nào là hình ảnh đẹp. Và các hướng dẫn viên phải trả lời không biết bao nhiêu là câu hỏi về dòng sông đã đi vào ký sự trên VTV, vào cổ tích và huyền thoại Cửu Long, chín Rồng trên đất Việt.

Phải giải thích cho các bạn tại sao chữ Lào với chữ Thái gần giống nhau, và người Lào xài nhiều hàng Thái hơn nhưng lại quý người Việt hơn... Tại sao tất cả pa-nô trên các cửa khẩu của Lào đều mang nhãn hiệu Daos-huong, nửa Việt nửa Lào-Thái, và trong siêu thị của họ có cả rượu Minh Mạng thang và bánh cốm Hà Nội?

May mắn cho các sinh viên du lịch Thăng Long, Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc, và cả sinh viên gọi là khách lẻ đến từ Đại học KHXH nhân văn thành phố Hồ Chí Minh..., một trong hai hướng dẫn viên trên xe lại là người Thái gốc Việt, sinh ở Nọng-khai của Thái Lan. Chính anh Đào Trọng Sáu và sau đó là anh Tharvon - Nguyễn Văn Quỳ là những người thật, việc thật kể cho các bạn nghe về một thời cay đắng, cơ cực của kiều bào Việt trên đất Lào và đất Thái ngày xưa, và lý do tại sao bà con kiều bào ở đây lại yêu nước nồng nàn, cháy bỏng đến thế, tại sao các bác, các chú lại hiếu khách và mong muốn được du lịch về thăm quê nhà đến thế.

Những chuyện kể với ngôn ngữ thật thà đến ngô nghê như bệnh đái đường thì gọi là đái ngọt, đi tán gái gọi là đi nếm gái! Và những bài ca xa lạ, quá cũ như bài hát Bài ca 19 tháng 8, Diệt phát xít... được anh Quỳ - Tharvon hát say sưa, không sai một chữ, không thiếu một câu... đã thật sự lôi cuốn các bạn về một thời quá khứ bi hùng, không xa, nhưng nhiều bạn chưa từng nghe tới... thế là đường dài vạn dặm trở nên quá gần...

Cảm ơn anh Quỳ, anh Sáu và ngàn lần cảm ơn kiều bào xa xứ đang ngày đêm nhớ về Tổ quốc, quê hương bản quán với một tấm lòng sắt son của người dân Việt để còn có chúng con bây giờ!

Đêm Nakhon-Phanom, mồng 7 Tết

Đêm thứ hai xa nhà, cắm trại ngoài trời cách Đà Nẵng cả ngàn cây số mà đầm ấm và đông vui như ở nhà mình, trường mình! Có khi lại tự do và yên ổn để nhảy nhót hơn cả ở quê mình vì gọi là cắm trại mà toilet sạch hơn cả khách sạn, gối mền đầy đủ, còn lửa trại thì có cả ghế  ngồi, đèn điện, dàn loa xịn và hình như có cả karaoke để kiều bào có chữ ngó theo mà hát!

Làng Hữu nghị Việt - Thái với không gian rộng rãi và điều kiện lưu trú như thế, đặc biệt là với nhiệt tình phục vụ quá tốt của bà con kiều bào, chắc sẽ được các công ty lữ hành chọn lựa như là một sản phẩm du lịch độc đáo của bản Na-chọt. Ông Wichukorn Kulapsri, Giám đốc du lịch Nakhon-Phanom sau khi dự một đêm giao lưu lửa trại sôi động của sinh viên Việt Nam, đã khẳng định, đây có lẽ là ý đồ của Thủ tướng hai nước khi chỉ đạo xây dựng khu làng Hữu nghị ở bản Na-chọt, với nhà Lưu niệm nguyên bản của Bác Hồ sống trên đất Thái những năm 1928-1929, nhà lưu niệm của nhà cách mạng trẻ tuổi Lý Tự Trọng... đền thờ Thánh tổ Trần Hưng Đạo, nghĩa trang Đại hiếu của người Việt xa xứ, đài Lưu niệm của người Việt tặng nhân dân Nakhon-Phanom trước khi hồi hương vào những năm 60 của thế kỷ trước và cả một ngôi làng thuần Việt trên đất nước của người Thái... chắc chắn sẽ là một nơi chốn hành hương của người Việt, nhưng lại là điểm đến tiềm năng của du lịch Thái Lan và bây giờ điều đó đang bắt đầu đến.

Cả người Thái và kiều bào Việt Nam ở vùng Đông Bắc Thái khoảng mười năm trở lại đây, khi tình hữu nghị Việt - Thái hồi sinh và củng cố, hầu hết kiều bào đã được nhập quốc tịch Thái Lan, đời sống trở nên dễ chịu hơn. Với lòng biết ơn mảnh đất đã cưu mang mình nên họ thường nhắc đến đất Thái như là một xứ sở đất lành chim đậu. Mà thật thế, khí hậu và sự màu mỡ của vùng Đông Bắc Thái có lẽ không bằng miền Trung Việt Nam nhưng do môi trường được bảo vệ tốt, cây xanh nhiều, người dân hiền hòa... chim thú ở đây về nhiêu vô kể, chim sáo mỏ vàng, mỏ xanh, khỉ, sóc chạy nhảy khắp trên bờ sông Mê-kông và cả trên sân nhà như là chim nuôi.

Người Việt của mình bây giờ cũng đang sống những ngày yên lành trên đất Thái như thế.

Lưu luyến chia tay kiều bào với những bữa cơm ngon và tấm lòng nhân hậu ở bản Na-chọt, đoàn lữ hành sinh viên Đà Nẵng phải vượt tiếp 250 cây số để đến Kuchinarai, nơi có Bảo tàng khủng long Sirindhorn do Công chúa Thái Lan bảo trợ xây dựng phục vụ tham quan du lịch miễn phí cho mọi du khách. Bảo tàng ở một vùng bán sơn địa, nhưng hàng ngàn năm trước đã là vùng đất trú ngụ của các loài động vật thời tiền sử, bây giờ bằng khoa học và công nghệ hiện đại, người Thái đã tái tạo lại quá khứ trái đất một cách sinh động và hấp dẫn quá, bổ ích quá! Chỉ tiếc Ban tổ chức chỉ cho tham quan 45 phút vì còn phải vượt 250km trở về để kịp đi chợ Đà Nẵng - Indochine Market trên bờ sông Mê-kông của Mukdahan. 

Ba ngày trôi qua thật ngắn, chỉ mới nghe, nhìn… và ăn! Chưa kịp mua một thứ gì để về tặng bố mẹ, người yêu… bạn bè?

Đêm cuối cuộc lữ hành
 
Mukdahan, mồng 8 Tết!

Đang những ngày Xuân, thời tiết Việt Nam đẹp như thế mà thạc sĩ Đào Ngọc Anh, chuyên viên Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch phải rời Hà Nội để tham gia chỉ đạo cuộc lữ hành cùng sinh viên Đà Nẵng bằng đường bộ, vượt qua bao đồi núi, sinh hoạt theo kiểu du lịch bụi của sinh viên thật là một thử thách!

Thế mà lại còn luôn phải đổi từ xe này qua xe khác để giao lưu và hướng dẫn sinh viên về nghề nghiệp lữ hành tương lai, nhưng lại thật vui nhộn, như được trở lại thời trai trẻ dẫn khách đi tour. Tâm trạng ấy cũng rộn lên trong lòng của cô giáo người Đức Claudia, thầy Ngọc, thầy Khánh của Trường du lịch Việt-Úc, Trường Thăng Long khi phải nói lời chia tay với các em ở các trường bạn tại bữa cơm chiều Mukdahan.

Rộn ràng suốt đêm, mua sắm, cà-phê, clup… giao lưu chia tay, chẳng bạn nào chịu đi ngủ để ngày mai vượt suốt cung đường từ Mukdahan về lại Đà Nẵng, Ban tổ chức ư, thông cảm!

Đường về Tổ quốc, mồng 9 Tết

Bốn ngày ba đêm thế là quá ngắn, nhưng ngày kia là phải đi học, đi làm rồi. Tùng, MC của xe số 4, Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Ai đù” trên chuyến lữ hành đang loay hoay chưa kịp tìm ra nhân vật đinh của mình thì xe đã ào ào vượt cửa khẩu qua Thái, qua Lào! Đã tám chín giờ tối nhưng bạn nào cũng có đề nghị, thì xin dừng lại đâu đó để chia tay, bạn thì bảo không cần ăn và chạy thẳng về Trưng Vương vì bố mẹ đang đợi!

Chụp hình chia tay ở đó cũng được, đi đến nơi về đến chốn, cả Đoàn không ai đau ốm, sứt mẻ gì, có bạn còn mập lên do ăn lắm quà và chắc ai cũng nặng ra do mua nhiều hàng hóa kỷ niệm. Bác sĩ Điệp của Đoàn hình như thất nghiệp, mất việc từ đầu cuộc đi đâm ra chuyển nghề quay phim giúp VTV và làm hoạt náo cho Đoàn xe bằng những câu chuyện tiếu lâm miền biển...!

Quảng trường Nhà hát Trưng Vương vừa bế mạc Chương trình văn nghệ Mừng Đảng - Mừng Xuân thì lại tiếp tục mừng đón Đoàn lữ hành sinh viên của mình trở về, vẫn rộn ràng và đông vui như Tết!                                     

Ghi chép của DƯƠNG VIÊN SINH

;
.
.
.
.
.