Sông Hàn đầu năm gió nhẹ, mơ màng phủ một lớp nắng vàng mỏng manh mà ngọt ngào lóng lánh. Từ cầu tàu nằm chênh chếch khách sạn Green Plaza, chiếc du thuyền Tiên Sa của ông Đặng Văn Hòa lướt nhẹ về phía Túy Loan, Thái Lai..., rồi ngược về Ngũ Hành Sơn.
Du thuyền đưa khách ghé thăm Khu căn cứ lõm K20. |
Qua vùng rau La Hường, ông Nguyễn Vọng, Giám đốc Khu du lịch Biển Đông đề nghị với các đại diện một số ban, ngành thành phố: “Ở đây cần xây một cầu tàu cho khách nghỉ và tham quan vườn rau”. Vườn rau sạch xanh ngút mắt, cộng với vườn chuối bạt ngàn tại điểm dừng cuốn hút những người trên du thuyền. Du khách có thể xem các công đoạn ươm cây, bón phân, tưới nước, thu hoạch..., rồi mua rau, chuối tươi roi rói còn rỏ mủ trắng khi ra về.
Làng Thái Lai (Hòa Nhơn) với căn nhà cổ của ông Đỗ Hữu Minh vẫn luôn làm du khách sửng sốt khi nghe cây vải, căn nhà đều “tròm trèm” 300 tuổi... Trong bữa ăn trưa, ông Nguyễn Vọng hiến kế: “Anh làm cỡ chục vó câu cho những người có nhu cầu bắt cá giải trí. Trong vườn nuôi gà, trồng sâm, phục vụ món gà hầm sâm là bảo đảm “ăn tiền”. Chủ nhà gật gật: “Nhiều người góp ý rồi, tôi muốn làm nhưng ngặt kinh phí ít quá!”.
Rời Thái Lai, thuyền vòng về hướng Ngũ Hành Sơn, mở ra khung cảnh tươi trong và phong cảnh hữu tình hai bên bờ. Khu căn cứ lõm K20 (quận Ngũ Hành Sơn) còn ghi lại dấu ấn của vùng căn cứ chính Khu 3 Hòa Vang thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tại đây, du khách được tận mắt nhìn và chui vào những hầm bí mật đã từng là nơi họp kín, hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo cách mạng nòng cốt thuở ấy.
2- Ngồi trên du thuyền với chúng tôi, ngoài đại diện các ngành du lịch, xây dựng, giao thông..., còn có đại diện các hãng lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp nặng tình gắn bó với du lịch đường sông trên 10 năm. Theo ông Hòa, nghề sông nước truyền nối đến thế hệ ông là đã 11 đời, riêng ông đã 15 năm ngồi trên ghe thuyền. Hầu hết những chủ tàu đều đang lâm vào tình cảnh: tiến lui đều không đặng, vì lỡ đầu tư hàng trăm triệu đồng vào du thuyền, mà khách khứa hầu như không có.
Như ông Hòa mỗi năm chỉ làm ăn được đúng mùa Vu lan tháng Bảy và rằm tháng Tư. Mỗi tháng như vậy, ông phục vụ khoảng 15 cuốc đi về (100 khách/cuốc), coi như bù lỗ phần nào cho các tháng nằm bờ dài dài, lâu lâu mới có người ới “Đi chuyến anh ơi!”. “Bà vợ ở nhà cằn nhằn suốt, có khi đòi bỏ tôi vì làm ăn không ra, nhưng lỡ mê thuyền rồi, ráng chịu chứ biết làm răng”, ông tâm sự. Đầu đuôi nguyên do của việc không có khách cũng vì không có bến tàu cho đàng hoàng, sản phẩm du lịch dọc tuyến gần như bằng không.
Ông Phan Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành Danatours than: “Chúng ta đã khảo sát hành trình này rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ hình thành được sản phẩm”. Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển du lịch (thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Muốn phát triển du lịch đường sông, đặc biệt hình thành tour cho kịp phục vụ du khách nhân cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tháng 3 tới, phải làm khối việc: nâng cấp, trang trí hoặc xây mới cầu tàu, gấp rút bổ sung dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống tại các điểm dừng, đào tạo hướng dẫn viên du lịch đường sông...”.
3- Cuối ngày, du thuyền càng về gần bến, nỗi lòng của những người yêu sông nước càng như mở ra. Ông Sơn, ngoài đề xuất trang trí hoa cỏ, làm cổng chào, thêm sản phẩm tại các điểm dừng, còn kiến nghị hình thành phố du lịch Bạch Đằng, để đêm đêm, du thuyền đậu dọc sông thắp sáng lung linh, mời gọi du khách hưởng thú vui sông nước trong những ngày trời trong.
Chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang trăn trở: “Nếu không vì yêu sông nước, chúng tôi sẽ không bám trụ được hơn 10 năm qua. Chúng tôi chờ đợi sự tiếp sức của thành phố để phát triển mảng du lịch này”.
Ghi chép của HẰNG VANG