Từ đường Yết Kiêu (đường ra cảng Tiên Sa), đoàn xe gồm các ngành du lịch, đầu tư, giao thông, lữ hành, báo chí... chinh phục đỉnh Sơn Trà cao gần 700m. Bán đảo Sơn Trà hiện ra ngời ngời, xanh mát. Cây đa ngàn tuổi là một điểm tham quan hấp dẫn.
Tuyến đi Sơn Trà chỉ mới được thông từ đầu năm nay, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều hãng lữ hành lớn như Vitours, Danatours, Saigontourist, Mailinhtourism, Codatour...
1- Đài phát sóng DRT ở độ cao 250m là điểm dừng đầu tiên. Từ đây, chúng tôi có thể nhìn ra cầu Thuận Phước, biển đẹp, những ngôi nhà san sát. Nơi này và đồi Vọng Cảnh (cao 350m) sẽ được đặt các ống kính viễn vọng để khách phóng tầm mắt ra xa nhìn đèo Hải Vân, đảo Ngọc... Đường đi đầy mây. Mây quấn quanh người, mây mơn man trên da thịt, trên tóc, trên áo. Nếu mở cửa kính, mây cũng ùa cả vào trong xe. Hai bên đường, vài cành sim tím đã bắt đầu hé nở. Những người làm du lịch đã từng khảo sát bán đảo nhiều lần nói vui: “Lên đây vào khoảng tháng 4, đừng mặc áo tím”, bởi màu tím của áo sẽ bị lẫn chìm giữa rừng hoa sim tím ngát mênh mông.
2- Sân bay trực thăng cũ trong những năm 60 của Mỹ nằm ở độ cao 630m được xem là nơi có mặt bằng thoáng rộng nhất vùng bán đảo. Với diện tích gần 2 hec-ta, khu này trước đây có thể chứa được 16 chiếc trực thăng loại lớn cùng lúc. Các hãng lữ hành và quan chức du lịch đưa ra nhiều ý tưởng thú vị. Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Trần Chí Cường cho hay đang làm việc với Bảo tàng để đưa một chiếc máy bay lên đây triển lãm. Đại diện hãng Vitours cho rằng: “Nên phát quang cỏ, làm các dịch vụ ăn uống cho khách dừng chân, đồng thời làm xiếc khỉ để du khách nghỉ ngơi, thư giãn và tiêu tiền”.
3- Lên cao hơn 10m nữa, bạn sẽ chinh phục đỉnh Bàn cờ Tiên, mà theo truyền thuyết, là nơi ngày xưa các tiên ông đã giáng trần, khề khà bầu rượu, vuốt râu đánh cờ. Nhìn từ xa, đỉnh đồi này trông như chiếc giày, tương truyền là do ông tiên trong lúc vội vàng về trời đã đánh rơi. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị: “Chỗ này nên đắp tượng tiên ông và bàn cờ đá cho du khách chụp ảnh. Khi khách về sẽ giới thiệu với bạn bè là mình đã chụp hình ở nơi tiên giáng thế. Nhờ đó điểm đến sẽ được quảng bá rộng rãi”.
4- Chuyến trekking (xuyên rừng) trong khuôn viên Khu bảo tồn thiên nhiên Trường Mai được xem là hành trình thú vị nhất trong chuyến khảo sát. Men theo suối Nai Vàng, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi nhìn cây đa cổ thụ hàng ngàn năm tuổi giống y như hình một con nai khổng lồ đang ngơ ngác bên bờ suối. Cây đa Nai vàng trở nên đắt sô, vì hết người này đến người nọ thay phiên nhau “tranh thủ” chụp hình. Đi xuyên rừng, bạn sẽ thực sự tận hưởng khí vị thiên nhiên giữa rừng già, với những gốc đa, gốc dẻ cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, nhìn ngắm những cây dâu da, mây tre, sâm núi...
Với cảnh thiên nhiên đẹp hoang sơ, địa hình không quá gập ghềnh, rừng Sơn Trà trở thành địa điểm phù hợp cho loại hình trekking (xuyên rừng). |
5- Rời Trường Mai, chúng tôi đến điểm cuối của cuộc hành trình: Chùa Linh Ứng có tượng Quán Thế Âm Bồ tát cao nhất Việt Nam (65m), được nghe vị Hòa thượng trụ trì kể về nhiều huyền tích liên quan đến việc xây dựng chùa và tượng Phật, trong đó, chuyện tượng Phật tỏa ánh hào quang vào Trung thu năm ngoái (có ảnh chụp lại) được đoàn quan tâm nhiều nhất. Kết thúc vòng khảo sát, ông Hồ Văn Ánh, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng gợi ý cho các hãng lữ hành khai thác các tour một ngày hoặc nửa ngày đi qua các điểm trên.
6- Đà Nẵng không dễ gì có sản phẩm du lịch mới, mà sản phẩm độc đáo, hoang sơ như Sơn Trà lại càng khó. Vì vậy, việc đầu tư có hệ thống, chi tiết và bài bản sẽ là điều cần thiết để thu hút mạnh các luồng khách “móc túi” chi tiêu khi đến Đà Nẵng. Như ông Ngô Quang Vinh, khi chia tay đoàn đã đánh giá: “Tất cả các điểm đến trên tuyến đều tuyệt vời. Vấn đề còn lại là chờ kinh phí. Và đầu tư phải được thực hiện một lần, 1-2 tỷ đồng cho khu này là không xứng tầm”.
Bài và ảnh: HẰNG VANG