.

Tư duy du lịch

.

Hiện nay, du lịch đã thực sự trở thành một nhu cầu, ước muốn của nhiều người trên khắp thế giới. Với không ít người, việc tổ chức được một chuyến du lịch cho mình và gia đình hoặc một nhóm bạn bè là cả một kế hoạch dài hạn, đôi khi là nhiều năm, thậm chí cả đời người.

Sinh hoạt ngư dân dọc biển Mỹ Khê thường được khách du lịch quan tâm, tham quan.           Ảnh: THỤC YÊN

Đối với các nước phát triển, người dân có thu nhập khá thì du lịch đã trở thành điều bình thường. Mục đích của mỗi chuyến du lịch là để khám phá các nền văn hóa, các phong tục tập quán, ẩm thực, phong cảnh và con người nơi đến. Chẳng hạn, nếu như đến với Di sản văn hóa thế giới Hội An với thời gian ngắn hay dài, nhưng phải đạt được mục tiêu là thăm được Chùa Cầu, một số ngôi nhà cổ và được ăn bánh tráng đập, cao lầu và tắm biển Cửa Đại…

Đối với nước ta, ngành du lịch còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm cả về khâu tổ chức lẫn kế hoạch đầu tư cho du lịch. Vì thế, việc tổ chức các chuyến du lịch đôi khi trở nên máy móc do không hiểu hết được mục đích, nguyện vọng của khách, kể cả việc tiếp những đoàn khách trong nước và khách nước ngoài. Đã có lần cả đoàn khách du lịch châu Âu đến để tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương, nhưng khi đãi khách, các nhà tổ chức lại soạn toàn thức ăn Tây, làm thất vọng cho đoàn khách.
 
Lý do đơn giản là việc tổ chức bữa ăn Tây thì ta không thể bằng họ cả về chất lượng lẫn cách tổ chức, mặt khác họ muốn tìm hiểu nghệ thuật và phong tục ẩm thực của người Việt Nam (trừ trường hợp họ đã đặt trước bữa ăn). Kết quả là cả ta và họ mất công, mất tiền để tổ chức một chuyến du lịch, tham quan nhưng không đạt được mục đích.

Khách đi du lịch là để tiêu tiền (đã chuẩn bị, tích lũy và có cả kế hoạch chi tiêu) nhưng những dịch vụ của chúng ta lại quá thiếu, các đồ lưu niệm mang đậm phong cách, truyền thống địa phương rất ít. Chẳng hạn như nếu đến Việt Nam, khách du lịch muốn mang về chiếc nón Bài thơ xứ Huế, đèn lồng Hội An, sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước… để làm quà và phải được thưởng thức món phở Hà Nội, mì Quảng…
 
Nhưng nhiều khi ta lại tặng hoặc dẫn khách tới những nơi không có cửa hàng bán các đồ này, hoặc dẫn đến những nơi bán các sản phẩm mà ở nước họ dễ dàng mua được, hay dẫn họ tới các quán ăn châu Âu. Điều này lý giải vì sao ở nước ta có rất ít cơ sở làm vừa lòng khách và thu hút khách du lịch trở lại tham quan lần nữa. Ông Frich, khách du lịch người Đức tâm sự: Nếu đi du lịch Việt Nam mà không được tắm nắng, tắm biển để bị cháy da thì không thể nói là đã đi du lịch Việt Nam. Vì thế nên trong chương trình đến Đà Nẵng của ông, đi biển chiếm phần lớn thời gian.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ nói về sự non kém trong tư duy phát triển ngành du lịch, trong khi chúng ta có rất nhiều thế mạnh để thu hút khách du lịch chưa khai thác hết. Chẳng hạn như các bãi tắm ở Đà Nẵng, hoặc Bà Nà – một Đà Lạt, Sa Pa của thành phố… Đó là những thế mạnh thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng lại là trung tâm của 3 di sản văn hóa thế giới (Huế - Hội An – Thánh địa Mỹ Sơn).
 
Do vậy, cần phải có một tư duy mới về đầu tư và phát triển du lịch của thành phố, kể cả tư duy của mỗi người dân, để có cách hành xử văn hóa với khách du lịch. Nhưng trước tiên, những cán bộ, nhân viên của ngành du lịch, những nhà quản lý cần có một tư duy du lịch đúng để định hướng, đầu tư và kêu gọi đầu tư cho phù hợp và tổ chức du lịch nhằm khai thác và phát huy hiệu quả thế mạnh của thành phố, của các vùng lân cận, thu hút khách, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố.
                   
Đ.T

;
.
.
.
.
.