(ĐNĐT) - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Nếu du lịch miền Trung phát triển theo một quy hoạch nào đó thì đó là quy hoạch kiểu “tự xẻ thịt” và “bị ăn thịt”!
Tại hội thảo “Miền Trung – Xây dựng điểm đến quốc tế” do UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Tuổi Trẻ phối họp tổ chức mới đây tại Hội An, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã khiến đại diện lãnh đạo chính quyền và ngành du lịch nhiều địa phương miền Trung phải “tái mặt” khi phát biểu:
“Du lịch miền Trung hiện nay phát triển dường như không theo một quy hoạch tổng thể - vùng và có tầm nhìn xa. Hoặc nếu có theo một quy hoạch nào đó thì có thể gọi đó là một quy hoạch kiểu “tự xẻ thịt” và “bị ăn thịt”.
Các khu du lịch đang moc lên san sát dọc bờ biển miền Trung |
Theo giải thích của ông, “tự xẻ thịt” theo nghĩa chiến lược phát triển du lịch, đáng lẽ phải quy hoạch theo vùng thì lại bị xẻ nhỏ theo từng tỉnh. Trong từng tỉnh thì các loại tài nguyên du lịch, điển hình nhất là các bãi biển, lại bị “xẻ thịt”, “chia lô bán nền”.
Đồng quan điểm này, ông Herbert Laubichler-Pichler, Tổng Giám đốc The Nam Hải (Quảng Nam), cho hay: “Nhiều du khách nói với tôi, có vẻ khách sạn, resort ven biển đang được xây dựng với quy mô lớn. Tôi có cảm giác nếu không cẩn thận điều này sẽ tạo ảnh hưởng không tốt, vì khách không có cảm giác gần gũi và thân thiện với thiên nhiên. Tôi cũng từng thấy nhiều khách nói với bạn bè và gia đình họ rằng, Hội An đẹp nhưng phát triển quá nhiều và bừa bộn, thật kinh khủng”.
PGS.TS Trần Đình Thiên giải thích tiếp, “bị xẻ thịt” hiểu theo nghĩa du lịch, tuy là ngành “mũi nhọn” song thực tế vẫn bị “lép vế” trước các ngành khách do những mối lợi ngắn hạn, cục bộ mà các ngành này đem lại cho ngân sách, cho một số ngành và người dân. Các nguồn tài nguyên đáng và cần được dành cho du lịch thì bị các lĩnh vực khác, các dự án khác “đào mỏ” khai thác theo kiểu “ăn tươi nuốt sống”.
Ông dẫn chứng, tình trạng khai thác titan ở Bình Định, Bình Thuận, Thừa thiên - Huế; nuôi tôm ở Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa thiên - Huế; phá rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình… đang huỷ hoại rất nghiêm trọng các nguồn tài nguyên du lịch.
“Tất nhiên, hậu quả không đơn thuần chỉ là ngành du lịch tại các địa phương này không phát triển được mà những hậu quả dài hạn - hủy hoại môi trường, duy trì mô hình tăng trưởng lạc hậu, không tạo lập được các cơ sở tăng trưởng dài hạn và có định hướng chất lượng – mới thực sự đáng lo ngại”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Bên cạnh đó, theo TS Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), việc thiếu quy hoạch chi tiết về đầu tư – du lịch miền Trung đã dẫn đến thiếu cân đối giữa nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài trong đầu tư, do không xác định được công trình nào, dự án nào cần thực hiện bằng nguồn vốn trong nước; công trình, dự án nào cần thu hút nguồn vốn bên ngoài. Và từ đó cũng dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc cấp phép.
“Việc thu hút vốn nước ngoài thiếu chủ động và chọn lọc đã dẫn đến tình trạng đất đai ven biển dù nhiều song đều đã có chủ (mà chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước). Nhìn chung, tất cả các dự án trong nước và nước ngoài đều chậm triển khai. Phần nhiều các tỉnh trong vùng không còn đất ven biển để cấp phép cho các dự án mới, nhất là các dự án có tác động, ảnh hưởng nhiều đến thành quả kinh tế - xã hội của địa phương”, TS Phan Hữu Thắng nói.
Do vậy, ông cho rằng, cần hình thành Ban chỉ đạo chung của miền Trung về xúc tiến đầu tư du lịch, có nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và đề xuất quy hoạch đầu tư – du lịch của khu vực. Trên cơ sở đó thống nhất chương trình, kế hoạch, nội dung xúc tiến đầu tư du lịch hàng năm của vùng và từng địa phương nhằm đảm bảo lợi ích chung, tránh chồng chéo, lãng phí. Đồng thời, thúc đẩy liên kết du lịch giữa các tỉnh miền Trung, giữa miền Trung với cả nước và các nước lân cận nhằm đưa miền Trung thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và quốc tế.
Cẩm An