.

Chống chèo kéo du khách

.
Mời mọc, chèo kéo và tính tiền gấp đôi, gấp ba

Từ lưng chừng hòn Thủy Sơn, đập vào mắt du khách là hình ảnh lộn xộn gồm các quầy hàng lưu niệm và đông đảo người bán đứng ngồi bát nháo dưới chân núi. Chưa kịp xuống hết 124 bậc cấp, một đội quân đông đảo người bán hàng lưu niệm ở hai bên bậc thềm và bên trong cổng B khu danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫy gọi, mời mọc mua hàng. Một số người còn đặt sẵn những chiếc ghế nhựa ngay giữa lối ra vào cổng để ngồi túc trực đón lõng du khách từ trên núi xuống.
 
Mô tả ảnh.
Quầy hàng và đội quân bán hàng lưu niệm tụ tập lộn xộn, bát nháo ngay bậc thềm cổng B của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
 
Ra khỏi cổng, một số người một tay cầm bao đựng hàng, một tay cầm hàng lưu niệm mời mọc, lẽo đẽo đi theo, miệng liên tục: “Thu đô-la, thu đô-la! (2 dollar)” và chèo kéo khách du lịch ngoại quốc mua hàng… Tại đoạn đường Huyền Trân Công Chúa ngay trước cổng A của khu danh thắng, các vị khách nước ngoài cũng bị một số người bán hàng lưu niệm lẽo đẽo mang hàng hóa đi theo mời chào. Một đội quân khác cũng túc trực tại đây, dù trên tay không cầm gì cũng xí la, xí lồ tiếng Tây mời mọc. Hai bên bậc thềm cổng A, du khách cũng bị những người bán hàng lưu niệm quây lấy.
 
Một số người còn mời mọc du khách mua hương để lễ Phật ở chùa Tam Thai, hoặc dâng hương ở động Huyền Không và “chặt chém” 5.000 đồng/thẻ hương với chỉ 18 que kèm lời khuyến cáo: “Mua 5 thẻ hương mới thắp đủ”, khiến không ít du khách phải móc hầu bao mua đủ 5 thẻ hương để lên núi dâng hương. Còn ở phía trên núi, ngay giữa lối rẽ vào các động Huyền Không, Linh Nham và Vân Thông, một số người chủ yếu là bán các loại nước giải khát luôn miệng mời mọc, đánh vào tâm lý rất khát nước của du khách sau khi leo lên 156 bậc cấp mệt bở hơi tai để bán với giá cao gấp đôi: 10.000 đồng/chai nước C. (giá siêu thị 3.100 đồng), 10.000 đồng/chai nước suối A. 500ml (giá siêu thị là 3.300 đồng)… Còn với chúng tôi, chiếc xe máy gửi lại dưới chân núi cũng bị chủ nhà lấy với giá 5.000 đồng/chiếc… Chưa biết vào dịp thi bắn pháo hoa quốc tế sắp đến, khi du khách tấp nập về tham quan, tình trạng lộn xộn, bát nháo, mời mọc, chèo kéo và chặt chém khách du lịch, nhất là du khách quốc tế sẽ diễn ra như thế nào?

Lập lại trật tự du lịch

Nhằm xử lý kịp thời các tình huống về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý giá cả dịch vụ… tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng vừa công bố số điện thoại đường dây nóng 0511.2218.878 do Đội quản lý trật tự du lịch biển của Ban quản lý chịu trách nhiệm giải quyết. Mọi thắc mắc, kiến nghị của người dân và du khách liên hệ số điện thoại nêu trên để được giải quyết kịp thời.
“Nhiệm vụ bảo đảm trật tự, chống chèo kéo, bu bám du khách tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc trách nhiệm của lực lượng chức năng quận Ngũ Hành Sơn và Ban quản lý khu danh thắng. Đội Trật tự du lịch chỉ mỗi tháng sang bên đó một lần và thỉnh thoảng theo lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch lên đỉnh đèo Hải Vân, còn lại các đội viên của đội hằng ngày chia nhau trực ở trước chợ Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… và đi tuần ở đường Bạch Đằng, Trần Phú, Hùng Vương nhằm phát hiện, nhắc nhở, giải thích, ngăn chặn và lập biên bản xử lý hành vi chèo kéo du khách kịp thời” - anh Nguyễn Hữu Sinh - Đội trưởng Đội Trật tự du lịch vừa được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đổi tên từ Đội Chống chèo kéo khách du lịch, cho biết như vậy.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực trước cổng 2B của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tình trạng bu bám du khách hầu như không diễn ra khi có mặt của lực lượng này vì những người bán hàng rong, sách báo dạo bị đẩy đuổi. Theo anh Nguyễn Hữu Sinh, hiện tại Đội Trật tự du lịch có 8 người, trong đó có 3 người kiêm nhiệm, sắp tới sẽ bổ sung thêm người và công cụ hỗ trợ.
 
Từ đầu năm đến nay, đội đã phối hợp với lực lượng chức năng  bảo đảm cho 10.700 du khách đi trên 23 chuyến tàu biển đến tham quan Đà Nẵng thuận lợi, giảm thiểu bị hàng rong, cò du lịch chèo kéo. Đội cũng đã phát hiện và 2 lần gọi điện thoại cho lực lượng thu gom người lang thang xin ăn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đến đưa một đối tượng bị thiểu năng trí tuệ do tai nạn giao thông đi, nhưng được gia đình bảo lãnh về lại và thường xuyên đến khu vực trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm để ngửa tay xin du khách và lập biên bản 4 trường hợp bán hàng rong chèo kéo khách du lịch quốc tế. Anh Nguyễn Hữu Sinh cho hay: “So với trước đây, tình trạng chèo kéo du khách, nhất là khu vực trước Nhà hát Trưng Vương vào những ngày có tàu biển du lịch đến đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện đội chỉ mới được phép nhắc nhở, giải thích, đẩy đuổi và lập biên bản thu giữ hàng hóa, chứ chưa có một chế tài nào để xử phạt đối tượng chèo kéo du khách trắng trợn, chây lỳ và đối tượng gọi là “cò du lịch”, cứ lẽo đẽo đi theo hoặc đi bên cạnh du khách để mời mọc, tư vấn trục lợi khách”. 
 
Thời gian từ nay đến Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế không còn nhiều, bên cạnh triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc tái lập trật tự trước các điểm tham quan du lịch thời gian qua luôn là điểm nóng bức xúc về tình trạng tập kết, để hàng hóa vô tội vạ và bu bám, chèo kéo du khách như: đỉnh đèo Hải Vân, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên Biển Đông và đầu tuyến đường Trường Sa…

Bài và ảnh: Nam Trân
;
.
.
.
.
.