Du lịch

Để Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế

07:18, 27/10/2014 (GMT+7)

Sáng 25-10, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế” với sự tham gia của hơn 50 chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ-du lịch. Hội thảo nhằm tìm ra những hướng đi, giải pháp hữu hiệu, đổi mới để nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Đà Nẵng lên tầm cao mới.

Đà Nẵng cần hướng tới một trung tâm du lịch quốc tế với dấu ấn đặc sắc. TRONG ẢNH: Thi dù lượn trên bãi biển Đà Nẵng.                               Ảnh: VĂN NỞ
Đà Nẵng cần hướng tới một trung tâm du lịch quốc tế với dấu ấn đặc sắc. TRONG ẢNH: Thi dù lượn trên bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ

Vị thế nào cho Đà Nẵng?

Những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng có sự phát triển nhanh chóng và đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Diện mạo của du lịch Đà Nẵng ngày càng được khẳng định với sự hiện diện của hàng loạt các nhà đầu tư, thương hiệu du lịch hàng đầu trong nước và quốc tế; từ đó đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến hấp dẫn trong thời gian qua. Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, du lịch Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và những lợi thế sẵn có.

Định hướng phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, TS Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Trưởng nhóm tư vấn vùng duyên hải miền Trung cho rằng, muốn thực hiện được định hướng theo chủ đề hội thảo lần này, Đà Nẵng phải biết được mình đang ở đâu so với cả nước và quốc tế. Bởi Đà Nẵng tuy được coi là một trong những điểm sáng về phát triển đô thị nhưng ở góc độ du lịch, thời gian qua, Đà Nẵng gần như là điểm trung chuyển của khách ra Huế hoặc vào Hội An, Nha Trang.

TS Trần Du Lịch cũng chỉ ra nguyên nhân là do du lịch Đà Nẵng mang tính thời vụ cao, còn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng mang bản sắc riêng và có đẳng cấp quốc tế, thiếu các dịch vụ mua sắm giải trí hấp dẫn, đặc biệt thiếu các khu mua sắm, khu vui chơi và dịch vụ giải trí về đêm, trong nhà.

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng, du khách đi du lịch là để tận hưởng sự trải nghiệm. Chính vì thế, để phát triển du lịch-dịch vụ, điều quan trọng là đánh giá tiềm năng cung cấp sự trải nghiệm, sự tận hưởng cũng như sự thích thú, hứng khởi cho du khách.

Đà Nẵng hiện đã có một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp nhưng chung quanh các khu này không có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Đến bây giờ Đà Nẵng vẫn không có trung tâm thành phố theo đúng nghĩa “du lịch”, không có nơi cho khách giải trí tiêu dùng thời gian và tiền bạc. Bước ra khỏi khu nghỉ dưỡng, khách không có nhiều lựa chọn nên thường lưu lại ngắn ngày (3-4 ngày), trong khi thời gian du khách lưu lại ở Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) có thể lên tới 7 ngày, thậm chí 15-20 ngày bởi ở những địa điểm này, du khách có nhiều loại hình du lịch hơn so với Đà Nẵng để họ có thể trải nghiệm và tận hưởng.

Phải tạo được dấu ấn riêng

Để Đà Nẵng thực sự là một điểm đến, kiến trúc sư Robert Day, Phó Chủ tịch, Giám đốc về quy hoạch Tập đoàn WATG của Hoa Kỳ, chuyên gia tư vấn quy hoạch du lịch cho rằng, bản thân ngành du lịch cũng cần phải hòa hợp với cấu trúc hạ tầng của thành phố. Trong tương lai, đó phải là sự pha trộn giữa thành phố và bãi biển, giữa người dân địa phương và du khách, sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo.

Trong khi ngành du lịch tạo ra khá nhiều công ăn việc làm thì các điểm đến du lịch không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn phải tiếp tục phát triển theo chiều hướng chất lượng để tăng tính cạnh tranh. Ông cũng đưa ra một số mô hình không gian du lịch tiềm năng có thể được sử dụng để làm cơ sở cho việc áp dụng và nâng cao năng lực phát triển của Đà Nẵng trong tương lai.

Các khu vực bãi biển phải được chia thành nhiều phân khu mang các đặc tính riêng, được quy hoạch để nhắm vào từng phân khúc thị trường cụ thể. Thật bất lợi nếu quy hoạch một chuỗi dài các khách sạn na ná giống nhau mà không hề có sự kết nối nào cả để tạo ra mối liên hệ giữa không gian sống bên trong và bên ngoài khách sạn; phải tính toán, bố trí theo mức độ chất lượng dịch vụ, từ dịch vụ cho thuê một sao bình dân đến khách sạn cao cấp.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Indochina Capital, Peter R.Ryder lại đưa ra 6 điểm chính để thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng. Cụ thể là ứng dụng cách tiếp cận phát triển du lịch bền vững, gia tăng các chuyến bay quốc tế, đơn giản hóa thủ tục visa, tạo lập nhiều khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa thị trường mục tiêu - không nên chỉ dựa vào một số thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… mà phải hướng đến các thị trường mục tiêu mới là châu Âu, Mỹ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, nếu tự suy nghĩ, mày mò thì mất rất nhiều thời gian và công sức cũng như có thể phải trả giá cho những sai lầm; vì vậy những ý tưởng được trình bày tại hội thảo sẽ được lãnh đạo thành phố chắt lọc, xem xét, đánh giá lại để từ đó xây dựng những chiến lược, hành động cụ thể nhằm đưa Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm dịch vụ-du lịch quốc tế.

THU HÀ

.