Ngày 9-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp báo cáo chi tiết về du lịch đường sông và xây dựng cảng tạm, bến mềm phục vụ du lịch.
Báo cáo của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, đến nay, tổng số phương tiện thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố là 44 ca-nô và tàu du lịch với sức chứa từ 12-250 chỗ ngồi. Thành phố đã phê duyệt 9 vị trí bến đỗ du thuyền và cầu tàu du lịch trên sông Hàn.
Tuy nhiên chỉ có 1 cầu tàu của Công ty CP DHC đã hoàn thiện nhưng chưa đưa vào khai thác. Vì chưa có cầu tàu cố định nên đội tàu du lịch đang neo đậu ở cảng Sông Hàn cũ với hệ thống hạ tầng chưa được cải tạo, nâng cấp bảo đảm hoạt động. Hiện có 3 tuyến du lịch đường thủy nội địa chính được đưa vào khai thác, bao gồm: tuyến cảng Sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà; tuyến cảng Sông Hàn - cầu Trần Thị Lý - cầu Thuận Phước; tuyến cảng Sông Hàn - bán đảo Sơn Trà - Cù Lao Chàm.
Tuy nhiên, các nhà làm du lịch cho rằng, du lịch đường sông ở Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố này. Đại diện các đơn vị làm du lịch cũng đã có ý kiến đề cập những bất cập về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng cầu tàu tại các điểm đến, xây dựng các tuyến du lịch cụ thể và có lịch trình…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở VH-TT&DL và các ngành liên quan sớm xây dựng và xác định các tour, tuyến cụ thể; đồng thời phải có gói sản phẩm rõ ràng theo hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, lặn ngắm san hô và làng nghề, trước hết triển khai tuyến du lịch trên sông Hàn trong tháng 9 này.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh: “Mỗi tuyến du lịch đường sông phải có điểm đầu và điểm cuối; chiều dài tuyến, thời gian mỗi tuyến, số thuyền có thể đi trên tuyến… là bao nhiêu, không thể nói chung chung.
Cần khảo sát điểm đến cụ thể, bảo đảm hạ tầng và dịch vụ chứ không thể đưa khách tới điểm đến mà khách không biết phải làm gì. Khi xây dựng tuyến, cần chỉ ra nguồn kinh phí cụ thể, nguồn vốn ở đâu và khi nào thì đầu tư.
Việc xây dựng bến cảng và cầu tàu phải tính toán thật cụ thể, xác định bến chính, bến hậu cần, bến tạm để có kế hoạch đầu tư. Từ nay đến ngày 15-9, giao Sở Giao thông vận tải có tờ trình về quy hoạch cảng Sông Hàn thành cảng du lịch tạm thời để thành phố phê duyệt lần cuối, đến ngày 20-9 khởi công xây dựng, ngày 20-10 công bố cảng và đưa vào sử dụng ngày 25-10”.
HOÀNG HÂN