Trong chuyến khảo sát tuyến du lịch đường sông mới đây do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên ở Đà Nẵng đánh giá cao lợi thế của tuyến du lịch đường sông như có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có các điểm dừng chân khá hấp dẫn… Tuy nhiên, đó mới là tiềm năng, du lịch Đà Nẵng vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để những tiềm năng này mang lại hiệu quả.
Cầu tàu tạm không đảm bảo an toàn nên tàu của đoàn khảo sát phải cập thẳng vào bờ để lên di tích K20. |
Điểm đến hấp dẫn còn bỏ ngỏ
Đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tuyến đường sông khá phong phú nhưng các đơn vị lữ hành mới chỉ tập trung khai thác 2 tour chính là “Thưởng ngoạn sông Hàn” - đưa khách ngắm cảnh hai bên bờ sông vào buổi tối và ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước vào cuối tuần và tour “Vòng quanh bán đảo Sơn Trà”.
Cũng bằng thuyền, du khách có thể ngược dòng sông Hàn về phía Ngũ Hành Sơn, thong dong ngắm thành phố và những cây cầu đẹp từ phía lòng sông trước khi cập bến là di tích lịch sử K20. Không chỉ tận mắt thấy những căn hầm bí mật của các gia đình ở khu di tích này đào để nuôi giấu cán bộ, du khách cũng có thể chui vào những chiếc hầm đó để có những trải nghiệm đặc biệt khi tìm về với lịch sử hào hùng.
Dọc theo dòng sông Hàn, đi về phía Cẩm Lệ, Túy Loan, với sông nước trong xanh hữu tình, hai bên bờ sông là những rặng tre xanh mát, những bãi bồi trồng rau, con thuyền sẽ đưa du khách ghé thăm ngôi đình cổ Túy Loan, thăm nhà cổ Tích Thiện Đường hơn 200 năm tuổi tại làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với khung cảnh làng quê yên bình giữa phố.
Mặc dù tuyến du lịch đường sông đã được nói đến rất nhiều lần từ những năm trước, nhưng đến nay, tại một số điểm đến như di tích K20, cầu tàu tạm để cho du khách lên xuống chưa có. Tại điểm ghé thăm đình cổ Túy Loan, tàu cập bến nhờ một nhà dân; hay điểm đến nhà cổ Tích Thiện Đường, chủ ngôi nhà cổ tạm thời dọn dẹp cỏ tạo thành lối đi cho đoàn khảo sát.
Còn nhiều khó khăn
Thực tế cho thấy, cả bến đi từ cảng Sông Hàn và bến đến là K20, đình làng cổ Túy Loan hay thôn Thái Lai hiện nay cầu cảng chưa có, lối đi vào cũng rất tạm bợ, người phục vụ tại điểm đến chưa được đào tạo về nghiệp vụ du lịch… Bà Xa Doãn Hồng Thủy, Giám đốc Fiditour Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: “Sản phẩm du lịch đường sông với di tích K20, đình làng, nhà cổ là những điểm dừng chân khá hấp dẫn, nhưng nhìn chung để cho ra sản phẩm phù hợp với tất cả các đối tượng khách du lịch thì còn nhiều băn khoăn”.
Bà Thủy lý giải: “Với cơ sở vật chất đang có thì chỉ phát triển thành sản phẩm trong nước, khách có nhu cầu khám phá cảnh quan làng quê, kết hợp với việc trải nghiệm hay khách gia đình đi picnic, còn để phục vụ đại đa số khách du lịch thì phải đầu tư thêm bến bãi, cầu tàu, nhất là lối lên xuống phải đảm bảo an toàn. Mặt khác, phải tính đến an toàn cho di tích, điểm đến khi có lượng khách quá đông. Cần có phương án vừa khai thác vừa bảo tồn và giải quyết được bài toán hài hòa giữa sự tiện nghi, mang lại sự thoải mái cho khách du lịch. Điều này cần có sự vào cuộc của cả nhà nước, doanh nghiệp và chủ các điểm đến và cần có thêm nhiều chuyên đề khảo sát để có tiếng nói chung trong việc tạo ra một sản phẩm du lịch mới”.
Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng phân tích, điểm đến di tích lịch sử K20 sẽ có ý nghĩa khi kết hợp với tuyến du lịch đường sông, là một trong những hướng sản phẩm mới cho du lịch Đà Nẵng. Với sự phát triển của du lịch đường sông có thể định hình một tuyến du lịch từ sông Hàn đi di tích K20, nối với chùa Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn hoặc nối với hướng đi Cẩm Lệ, Túy Loan thành tour du lịch hằng ngày cho du khách.
Tuy nhiên, để tour du lịch này khai thác có chiều sâu, trở thành sản phẩm ổn định bền vững thì phải có sự phối hợp đồng bộ, từ quản lý Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp và đơn vị cung ứng dịch vụ tạo thành sản phẩm có sức thu hút du khách, hình thành các tuyến du lịch ổn định.
Bài và ảnh: Thu Hà