.

Đà Nẵng bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng sẽ đứng ra bảo lãnh từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ ngân sách cho các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết tại buổi đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày 7-9.

NBT.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Thu Phương

Buối đối thoại giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, NHNN với các doanh nghiệp diễn ra vào ngày 7-9 thu hút hơn 150 DN, lãnh đạo 10 Hiệp hội DN đại diện cho 15.146 DN đăng ký hoạt động tại Đà Nẵng, 29 lãnh đạo cấp cao của NH thương mại (NHTM) trong cả nước và 33 Chi nhánh NH, tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn Đà Nẵng.

Sự quan tâm và đồng hành của lãnh đạo thành phố đối với doanh nghiệp được thể hiện khi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh; Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương; giám đốc các sở, ban, ngành hữu quan và chính quyền các quận, huyện của thành phố.

Tại buối đối thoại, danh sách hàng loạt  ngân hàng chưa giảm lãi suất dư nợ cũ về dưới 15%/năm đã được  Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Đà Nẵng công khai. Bên cạnh đó, hàng loạt các phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn không tiếp cận được vốn, các loại phí không chính thức,  sự mập mờ, thiếu minh bạch của các ngân hàng đã được công bố từ  các khảo sát thực tế của Đà Nẵng. 

Sự khởi động buổi đối thoại rất thẳng thắn của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã tạo sự tin tưởng cho các doanh nghiệp dám nói những gì lâu nay còn “nhường nhịn” và “chịu đựng” với các đối tác ngân hàng.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, nêu rõ hầu hết các DN ở Đà Nẵng đều phản ánh khó tiếp cận nguồn vốn vay, dù phía các ngân hàng cho rằng thừa tiền và sẵn sàng cho doanh nghiệp có nhu cầu vay.

Thực tế, đến cuối tháng 7 vừa rồi, chỉ có 430 khách hàng được các ngân hàng trên địa bàn giảm lãi vốn vay, tương đương số tiền hơn 6 tỷ đồng. Chỉ có 17/40 chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đưa lãi vay ngắn hạn xuống mức bình quân 15%/năm; 11/40 đơn vị giảm lãi khoản vay cũ xuống mức 15%/năm; nhiều khách hàng vẫn phải chấp nhận mức lãi suất ngắn hạn trên 21%/năm.

Doanh nghiệp "kể tội" ngân hàng

Ông Nguyễn Thành, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Toàn, bức xúc: “NHNN cần thiết lập đường dây nóng để doanh nghiệp phản ánh những tổ chức tín dụng không chấp hành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các ngân hàng treo bảng công khai lãi suất cho vay mới và lãi suất nợ cũ. Nếu ngân hàng nhà nước không có giải pháp quyết liệt thì không tạo niềm tin, không thể cứu doanh nghiệp và cưú  nền kinh tế”.

 
Ngân hàng và doanh nghiệp nói nghe có vẻ hiểu nhau cặn kẽ nhưng thực tế không hiểu nhau. Doanh nghiệp sống thì ngân hàng mới sống, do vậy phải quan hệ hợp tác. Người Đà Nẵng sẽ tẩy chay  những ngân hàng  “kiên cường” không hạ lãi suất
 
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh

Cũng câu chuyện lãi suất, ông Phan Tiến Sĩ, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Thụy Sĩ, chất vấn vì sao NHNN không quy định lãi suất trần cho vay, biên độ dao động vì sao không tính được? Hàng loạt các doanh nghiệp, và cả các ngân hàng trên thế giới  lao đao chết do bão kinh tế, trong khi tất cả các ngân hàng nào của Việt Nam vẫn sống khỏe? Phải chăng các  ngân hàng của Việt Nam điều hành kinh doanh quá giỏi?.

Giám đốc Công ty TNHH SX - TM B.Q Phan Hải cho rằng Đà Nẵng chỉ có chi nhánh của các ngân hàng, đây là trở ngại lớn vì chi nhánh nào cũng đưa ra lý do khó khăn về thủ tục và do quy định của hội sở. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất quay vòng vốn phải mất một năm trong khi ngân hàng 3 tháng điều chỉnh lãi suất cho các dự án trung và dài hạn, liệu như vậy có hợp lý?

Hàng loạt ý kiến của các doanh nghiệp ảnh ánh sự bức xúc vì thiếu tính thần hợp tác, giúp đỡ của ngân hàng đối với doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm vì sự khôi phục nền kinh tế đất nước. Lạm phát không khởi đầu do doanh nghiệp nhưng hậu quả doanh nghiệp là đối tượng đầu tiên chịu tác động tiêu cực vì lãi suất quá cao. Những động thái  tích cực của NNHH đều là quá trễ. Gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn và sẽ khó khăn trong thế giới hội nhập và cạnh tranh quyết liệt  nếu họ  vẫn tiếp tục bị đưa lên “dàn thiêu”.

Ngân hàng khó nói

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP An Bình thanh minh vì chi phí vốn đầu vào cao nên nếu hạ lãi suất 12%, ngân hàng sẽ không lời, giảm lãi suất không phải là chìa khóa giải tỏa tất cả khó khăn hiện tại. Trung ương và địa phương cần triển khai mô hình bảo lãnh tín dụng thì ngân hàng mới mạnh tay cho vay.

 hơn 150 DN, lãnh đạo 10 Hiệp hội DN đại diện cho 15.146 DN đăng ký hoạt động tại Đà Nẵng, 29 lãnh đạo cấp cao của NH thương mại (NHTM) trong cả nước và 33 Chi nhánh NH, tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn Đà Nẵng.
Buổi đối thoại thu hút hơn 150 doanh nghiệp, lãnh đạo 10 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho 15.146 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Đà Nẵng, 29 lãnh đạo của các ngân hàng thương mại trong cả nước và 33 chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: Thu Phương

Thay mặt cho các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đồng  Tiến, Phó Thống đốc NHNN đánh giá cao ý thức cống hiến và chia sẻ khó khăn với cộng đồng các doanh nghiệp Đà Nẵng  và “ước mơ” đưa lãi suất cho vay về 12%/năm. Tuy nhiên tại thị trường Đà Nẵng, huy động tiền gửi luôn thấp hơn dư nợ cho vay nên lãi suất cho vay phải phụ thuộc vào lãi suất tiền gửi.

Ông Tiến cho biết, những ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa tích cực, không tích cực thực hiện chủ trương giảm lãi suất xuống 15%, tiết giảm chi phí, lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp thì NHNN sẽ có chính sách phân loại, xem xét đối xử trong hoạt động.

Vị lãnh đạo NHNN cũng nêu rõ quan điểm để đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất, NHNN sẽ phối hợp với chi nhánh Đà Nẵng giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng không thực hiện giảm lãi suất về dưới 15% và sẽ xem xét phân loại đối xử với các tổ chức tín dụng. Lãi suất 6 tháng cuối năm  sẽ giảm hay tăng  còn tùy thuộc vào tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải nhận thức không phải cứ sinh ra là phải tồn tại mà phải thích ứng cơ chế thị trường, liên doanh - liên kết, lựa chọn ngành nghề phù hợp và đặc biệt không nên phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng.

Đà Nẵng bảo lãnh cho doanh nghiệp

Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh động viên các doanh nghiệp Đà Nẵng cần khẳng định bản lĩnh, vượt qua khó khăn, đừng buông tay chèo.

"Ngân hàng và doanh nghiệp nói nghe có vẻ hiểu nhau cặn kẽ nhưng thực tế không hiểu nhau. Doanh nghiệp sống thì ngân hàng mới sống, do vậy phải quan hệ hợp tác. Người Đà Nẵng sẽ tẩy chay  những ngân hàng  “kiên cường” không hạ lãi suất. 

Các ngành chức năng của Đà Nẵng sẽ phối hợp với NHNN Chi nhánh Đà Nẵng thường xuyên theo dõi, rà soát và báo cáo lãnh đạo thành phố về họat động của các ngân hàng và khó khăn của doanh nghiệp. Vì vậy các ngân hàng  phải tự giác, lãi suất rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho vay", Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cho biết, UBND thành phố thông qua sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp nào muốn vay có khả năng thu hồi vốn cao mà khó tiếp cận vốn ngân hàng thì đề xuất thành phố bảo lãnh để thúc đẩy sản xuất phát triển. Thành phố sẵn sàng dành từ 3000 đến 5000 tỷ đồng để bảo lãnh cho  các doanh nghiệp vay.

Đối với các công trình xây dựng được cấp vốn từ ngân sách, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các ngân hàng cho vay để bảo đảm tiến độ phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị các ngân hàng chú ý vấn đề thẩm định dự án cho vay, vừa bảo đảm nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Thu Phương

;
.
.
.
.
.