(ĐNĐT) - Giá vàng trong nước và thế giới thời gian gần đây tăng mạnh. Đặc biệt là giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục giá cao mới. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Văn Lý, nguyên Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng, cho biết giá vàng trong nước chưa đầy một tháng qua đã tăng hơn 10%, từ 42 triệu đồng lên 46,3 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, sáng 8-9, giá tăng thêm khoảng 700.000 đồng/lượng và đạt mốc 46,3 triệu đồng/lượng.
Phân tích về biến động của giá vàng, ông Lý cho rằng, giá vàng thế giới được đẩy lên cao trước và sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã duy trì lãi suất cơ bản đồng Euro ở mức 0,75% và mở một chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng. Đồng Euro đã tăng giá trước thông tin này, kéo giá vàng tăng theo. Ngoài ra, rủi ro lạm phát đi kèm chính sách bơm tiền vào thị trường của ECB cũng hỗ trợ cho giá vàng.
Thêm vào đó, giá vàng tăng lên ở mức cao vì thị trường vẫn kỳ vọng vào Mỹ sẽ tung ra gói nới lỏng định lượng QE3 qua lời phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED trước đó….
Và riêng trong tuần này, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bước sang tuần thứ 6 mua ròng vàng liên tiếp, với mức mua ròng tính từ đầu tuần vào khoảng 3,6 tấn, nâng khối lượng nắm giữ lên mức gần 1.300 tấn vàng.
Mở cửa phiên giao dịch vào sáng 8-9, giá vàng trong nước đã tăng thêm khoảng 700.000 đồng/lượng |
Theo giới kinh doanh vàng, giá vàng càng tăng khiến lực mua càng tăng mạnh hơn lực bán trong những ngày gần đây, người mua không chỉ có người dân mà cả ngân hàng thương mại cũng tích cực gom vàng. Và điều này có thể gây mất cân đối cung cầu, đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới ở một số thời điểm, cho dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép SJC được gia công vàng miếng.
Giám đốc một NHTMCP trên địa bàn TP Đà Nẵng cho hay, giá vàng trong nước tăng quá nhanh đã khiến một bộ phận người gửi vàng ở ngân hàng rút vàng ra bán chốt lời. Vì vậy, các ngân hàng phải lập tức mua lại để bù đắp số vàng bị rút.
Hiện không ít ngân hàng đang gặp hai vướng mắc về vàng. Thứ nhất, vàng đã huy động được phần lớn có kỳ hạn ngắn, chủ yếu từ 1 đến 3 tháng, còn vàng đã cho vay tồn đọng từ các hợp đồng tín dụng còn lại là dài hạn trên 12 tháng, thậm chí 2 -3 năm. Rủi ro kỳ hạn trong huy động – cho vay vàng đang hiện hữu. Vướng mắc thứ hai tỏ ra nghiêm trọng là, tổng lượng vàng huy động đang thấp hơn dư nợ cho vay vàng.
Nói cách khác, trạng thái vàng của các ngân hàng đang âm. Hệ quả này đã bắt nguồn từ 4-5 năm trước, khi người vay vàng để chuyển đổi thành tiền, đầu tư vào bất động sản hoặc dự báo giá vàng sẽ giảm nên vay để bán, chờ giá xuống mua lại. Khi ấy lãi suất vay vàng rất thấp, chỉ bằng 1/3 lãi suất vay tiền đồng, nên người vay đã không tính đến việc mua bảo hiểm cho giá vàng. Các khoản vay vàng ngày càng rủi ro khi giá vàng cứ tăng đều đặn. Mặc dù một tỷ lệ lớn người vay đã bổ sung tài sản thế chấp hoặc cắt lỗ, không phải tất cả các hợp đồng vay vàng quá hạn đã được tất toán.
Thêm vào đó, tình hình “căng thẳng” của NH ACB thời gian vừa qua, cũng gây tâm lý bất an cho người gửi tiền, một số không ít đã chuyển tiền gửi sang mua sắm vàng. Cũng do thị trường chỉ có lực mua mà không có lực bán nên giá vàng trong nước bị đẩy lên khá cao so với thế giới (chênh lệch khoảng 2,5 triệu đồng/lượng).
Trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư cũng đang tích cực chốt lời khi giá vàng vượt mốc 1.700 USD/oz vào ngày 6-9. Trong phiên châu Á sáng ngày 7-9, giá vàng đã không giữ được mức giá này khi giới đầu tư nhanh tay hiện thực hóa lợi nhuận.
Thị trường vàng trong nước cũng xảy ra hiện tượng chốt lời tương tự (theo tin các doanh nghệp kinh doanh vàng, vào chiều 6-9 và sáng 7-9 số lượng vàng mua vào tăng gấp hai gấp ba so với số bán ra). Kèm theo đó, thông tin với số lượng vàng SJC được phép gia công lại 48.000 lượng đã tung ra thị trường cũng làm cho giá vàng trong nuớc hạ xuống dưới mốc 46 triệu đồng/lượng vào ngày hôm qua (7-9).
Giới đầu tư vàng cho rằng, QE tại Mỹ luôn là chủ đề trong suốt thời gian qua với nhà đầu tư vàng, vốn là động lực chính cho giá vàng từ năm 2008. Hai gói nới lỏng định lượng QE1 và QE2 đã khiến giá vàng bùng nổ, tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Hiện nhà đầu tư đang kỳ vọng vào gói thứ ba QE3. Giá vàng hiện đứng ở mức cao nhất trong 6 tháng qua. Phần lớn triển vọng giá vàng từ nay tới cuối năm sẽ phụ thuộc vào hành động của FED.
Theo nhận định của bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs, giá vàng sẽ lên 1.840 USD/oz vào cuối năm nay. Còn theo nhận định của ông Lý, khi giá vàng thế giới tăng, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ tăng cao trở lại. Dự kiến sẽ chạm mốc 48 triệu đồng/lượng vào cuối năm nay, nếu như Ngân hàng Nhà nước không có biện pháp gì mới để bình ổn được giá vàng.
Bài và ảnh: Trọng Hùng