Tài chính

Doanh nghiệp "khát" vốn

07:38, 08/04/2014 (GMT+7)

Lãi suất vẫn còn cao, tài sản thế chấp không có... là những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn vay.  Tuy vậy, phía các ngân hàng (NH) cũng ngại cho vay trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, bởi rủi ro đang cao hơn so với trong điều kiện bình thường. Vì vậy, giữa DN và NH chưa tìm được tiếng nói chung.

Một hội nghị kết nối ngành ngân hàng và doanh nghiệp là cần thiết để cùng tháo gỡ khó khăn. TRONG ẢNH: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP An Bình, Chi nhánh Đà Nẵng.
Một hội nghị kết nối ngành ngân hàng và doanh nghiệp là cần thiết để cùng tháo gỡ khó khăn. TRONG ẢNH: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP An Bình, Chi nhánh Đà Nẵng.

Gồng mình trả lãi suất cũ

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, nhiều DN khó khăn, thậm chí phải giải thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nguồn vốn. Theo ông Lý, hiện nay các NH đưa ra quy định thế chấp tài sản bảo đảm. Nhưng cái khó là nhiều DN đã thế chấp NH hoặc hết tài sản thế chấp nên không thể vay được nguồn vốn mới đầu tư sản xuất.

Được biết, nhu cầu vốn rất cấp bách, thậm chí nhiều DN rất “khát” nguồn tiền vay nhưng vì những điều kiện ngặt nghèo của NH cũng như nhiều thủ tục pháp lý khác nên không thể vay được nguồn tiền. Anh P.T.S, Giám đốc Công ty T.S (quận Cẩm Lệ) cho biết, thời gian qua, DN vay của một NH thương mại CP có chi nhánh ở Đà Nẵng với lãi suất từ 13 - 17%/năm (tùy theo dài hạn hoặc trung hạn). Hiện nay, dù mức lãi suất theo quy định của NHNN đã giảm, nhưng mức trả lãi suất của DN anh vẫn như cũ. Bà N, giám đốc một DN kinh doanh sản xuất thép (quận Liên Chiểu) cho biết: “Các NH hiện nay thừa vốn nhiều nhưng DN lại khó tiếp cận, bởi NH muốn cho vay chỉ đi tìm DN “khỏe mạnh”, chứ “ốm đau” thì không cho vay. Do đó, nhiều DN “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, thắt lưng buộc bụng, cắt giảm nhân công”. Anh D, giám đốc DN H.P (đường Nguyễn Hữu Thọ) cũng thổ lộ: “Tôi vay gần 500 triệu để mua ô-tô phục vụ công tác vận chuyển với lãi suất 17%/năm. Dù đã hơn 2 năm trôi qua, hiện nay lãi suất các NH đã giảm nhưng tôi vẫn phải trả mức lãi suất cũ…”.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, lãi suất cho vay bình quân bằng đồng Việt Nam (VNĐ) trên địa bàn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đến cuối tháng 2-2014 là 11,32%, giảm 0,14% so với tháng 1-2014. Đến cuối tháng 2-2014, dư nợ cho vay bằng VNĐ có mức lãi suất dưới 13%/năm chiếm tỷ trọng 88,41%; mức lãi suất trên 13%/năm chiếm tỷ trọng 11,59% trên tổng dư nợ VNĐ. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều NH cho vay lãi suất từ 13,5 - 15,5%. Vừa qua, tại buổi giao ban các NH trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cũng đã “điểm mặt” và nhắc nhở một số NH có lãi suất cao.

Cơ hội nào cho DN có “sức khỏe yếu”?

Nhiều NH dù kêu “bí đầu ra” nhưng họ vẫn kén chọn đối tác để cho vay. Thực tế, những DN có “sức khỏe” tốt thì không cần vốn, trong khi nhiều NH chào mời. Một NH thương mại CP (có trụ sở đường Nguyễn Văn Linh) cho hay, biết là “bí đầu ra” nhưng đã cho vay thì phải bảo đảm tính an toàn, vì thời gian qua rủi ro ở các NH quá cao, nợ xấu tăng.

Trong vai một giám đốc DN, tôi gọi điện đến một NH thương mại CP có trụ sở ở đường Lý Thái Tổ (Đà Nẵng) để nhờ tư vấn vốn vay. Ban đầu, bộ phận kinh doanh tiếp thị rất chu đáo. Tuy nhiên, khi tôi nói bây giờ tài sản tôi đã thế chấp ở một NH khác, DN không còn tài sản để bảo đảm thì vị đại diện bộ phận này nói ngay: Thế thì anh liên hệ với NH anh đang vay để tiếp tục nâng nguồn vay của mình. Tương tự, khi gọi điện đến một vị phó giám đốc của một NH thương mại CP cũng đóng trên đường Lý Thái Tổ để hỏi vay vốn, tuy không từ chối trực tiếp nhưng vị này đưa ra lý do là hiện có gói cho vay không cần thế chấp nhưng mới triển khai ở hội sở, chưa đến chi nhánh!

Tại hội nghị giao ban ngành NH vừa qua, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết, tháng 4-2014 sẽ tổ chức hội nghị kết nối giữa ngành NH và các DN trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH; thống kê các gói sản phẩm tín dụng đang triển khai và dự kiến sẽ triển khai trong năm 2014 của các tổ chức tín dụng gửi các khu công nghiệp và chế xuất; các hiệp hội trên địa bàn; yêu cầu một số NH thương mại hạ mức lãi suất cho vay cũ về dưới 13%.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa, vừa qua thành phố đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa để cùng với Quỹ Đầu tư phát triển thành phố sẽ là “bà đỡ” cho DN. Ông Nguyễn Văn Lý nói, đây là chính sách kịp thời và đúng đắn của thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. Tuy nhiên, theo ông, cần có một cơ chế thông thoáng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.