Tài chính

Thanh toán không dùng tiền mặt: Người dân vẫn thờ ơ…

07:58, 01/03/2014 (GMT+7)

ĐNĐT - Việc thanh toán không dùng tiền mặt không còn xa lạ với người dân trong thời gian gần đây, nhưng qua khảo sát tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong đại đa số những giao dịch hằng ngày, thói quen của người tiêu dùng vẫn là mua hàng với một lượng tiền mặt sẵn có.

Ngại dùng vì mất thời gian

Sở dĩ người dân ngại dùng thẻ thanh toán khi mua hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại… vì họ cho rằng khi thanh toán mất nhiều thời gian và phải trải qua nhiều công đoạn. Đấy là chưa kể đến nhiều nơi còn bắt khách hàng đóng phí vài phần trăm hoặc hạn chế những ưu đãi về chính sách khuyến mãi từ các đơn vị bán hàng.

da
Ngân hàng cam kết không thu phí khi khách hàng dùng thẻ thanh toán mua hàng. Trong ảnh: Khách hàng dùng thẻ thanh toán mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng

Khảo sát tại Đà Nẵng cho thấy, nhiều siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng không tính phí cho người dùng thẻ thanh toán khi mua hàng, thế nhưng, có nơi lại thêm quy định gây thua thiệt cho khách hàng. Chẳng hạn, không ít siêu thị không cho khách hàng hưởng các chương trình khuyến mại và những hình thực chiết khấu thanh toán khác của siêu thị khi khách hàng cà thẻ thanh toán thay vì trả tiền mặt. Chưa kể, nhiều khách hàng cảm thấy phiền hà do khâu thanh toán bằng thẻ hiện nay rắc rối và làm mất thời gian hơn trả tiền mặt.

Chị Lê Thị Diễm - giám đốc một doanh nghiệp cho biết, chị rất ít khi mang theo tiền mặt và trong túi xách lúc nào cũng có vài cái thẻ ATM. Vì thế, mỗi lần ghé siêu thị mua hàng chị thường ra máy ATM rút tiền mặt rồi vào thanh toán, vừa nhanh lại không bị thiệt. “Mấy người bạn cũng mách lối sao không dùng thẻ thanh toán mua hàng cho thuận tiện, nhưng tôi thấy lích kích và mất thời gian khi thanh toán nên ngại dùng”- chị Diễm nói.

Cùng quan điểm, chị Lê Thị Linh - chủ một nhà hàng cho rằng, mỗi dịp mua hàng tại Siêu thị Metro Đà Nẵng có thể lên tới từ 5-7 triệu đồng nhưng chị vẫn trả bằng tiền mặt, trong khi bản thân chị cũng có thẻ tín dụng. “Cũng là do thói quen thôi, mỗi lần đi mua sắm tôi thường cầm một khoản tiền dự kiến vừa đủ lượng hàng mình dùng. Thông thường thẻ tín dụng của tôi hay sử dụng để nhận tiền và rút tiền hơn là chi trả các khoản hàng ngày thế này”, chi Linh giải thích.

Mặc dù các siêu thị đã kết nối với các ngân hàng, khách có thể thanh toán qua thẻ nhưng hiện rất ít người mặn mà khi “xài” thẻ thanh toán để mua hàng. “Người dân ngại dùng thẻ thanh toán một phần là do thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu vốn vẫn đang rất phổ biến. Ngoài ra, còn do tâm lý ngại phiền hà, rắc rối hoặc mất thời gian vì phải chờ ký vào hóa đơn thanh toán khi cà thẻ” - đại diện một siêu thị cho biết.

Tạo thuận lợi cho người dùng thẻ thanh toán

Trên thực tế, những trường hợp “ngại” sử dụng thẻ để thanh toán mua bán hàng hoá tiêu dùng kể trên hiện nay khá phổ biến và cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Qua tìm hiểu được biết, trong 2-3 năm trở lại đây, một số ngân hàng lớn như: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, DongAbank… đã có nhiều hình thức ưu đãi, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh để lắp đặt máy POS như: miễn phí máy, công lắp đặt, miễn phí trong giai đoạn đầu sử dụng… Hầu hết các máy này đều là loại mới, khá nhỏ gọn và kết nối thông suốt với hệ thống ngân hàng 24/24. Khi khách hàng có nhu cầu thanh toán chỉ cần quẹt thẻ, xác nhận mã số, ngân hàng sẽ tự động trừ khoản tiền tương ứng khách hàng phải trả, đồng thời, chuyển luôn khoản tiền đó tới chủ tài khoản mới - là đơn vị bán hàng.

Các thao tác này diễn ra nhanh chóng chưa đến 1 phút và theo các ngân hàng, độ tin cậy của hình thức thanh toán này là 100%, hoàn toàn không có chuyện mất tài khoản, bị trừ thêm tiền như nhiều khách hàng lo ngại. Tuy nhiên, do cả đơn vị bán và người mua đều không ai muốn trả khoản phí cho ngân hàng, trong khi thực hiện giao dịch này (khoản phí khá thấp) nên việc sử dụng POS hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Trần Trọng Vinh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Đà Nẵng cho hay, để thu hút khách hàng thanh toán qua thẻ, tất cả nhà băng đều không thu phí người dùng. Thậm chí, ngân hàng còn liên kết với các đơn vị chấp nhận thẻ để có những chính sách ưu đãi, giảm giá khi mua hàng bằng thẻ, hoặc được chiết khấu 3-5% trên hóa đơn...

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đà Nẵng, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng sẽ giúp khách hàng thanh toán thuận tiện hơn, bảo đảm an toàn nguồn tiền. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để chủ dịch vụ quản lý ngân sách khoa học, giảm nhân công quản lý; đối với Nhà nước sẽ giảm được đáng kể nguồn kinh phí cho việc in tiền giấy. Vì những lý do trên mà hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chủ yếu tập trung qua giao dịch ngân hàng.

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, đến hết năm 2013, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã lắp đặt được gần 500 máy ATM và hơn 1.500 máy POS; đồng thời phát hành được hơn 700.000 thẻ ATM. Trong đó, không hiếm khách hàng sử dụng một lúc từ 2-4 thẻ. Tuy nhiên, không nhiều khách hàng sử dụng được hết các tính năng của thẻ. Các dịch vụ sử dụng thẻ để thanh toán tuy có tăng, nhưng không đáng kể.

Để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, một số ngân hàng vẫn thực hiện ưu đãi lắp đặt máy POS cho một số đơn vị kinh doanh trên địa bàn trong thời gian đầu thực hiện miễn giảm phí giao dịch qua POS. Ngoài ra, NHNN Việt Nam cũng đang dự thảo thông tư để hướng dẫn việc thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được quy định tại Nghị định 101 của Chính phủ.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

.