Địa ốc

Năm 2013: Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi

14:35, 17/07/2013 (GMT+7)

Giá bất động sản (BĐS) tiếp tục suy giảm tại mọi phân khúc do cầu tiêu dùng yếu. Thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục trong năm 2013, sẽ tiếp tục thách thức đối với chương trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa có báo cáo giám sát tài chính, trong đó đề cập đến tình hình thị trường BĐS trong những tháng đầu năm 2013.

Thị trường BĐS vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Thị trường BĐS vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

 

Dư cung lớn, hàng tồn kho tăng cao

 

Theo báo cáo, thị trường BĐS tiếp tục chìm sâu vào trạng thái đóng băng, ảm đạm suốt từ năm 2012 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong 4 tháng đầu năm 2013. Điều này khiến hàng tồn kho của thị trường tăng do lượng cung thứ cấp không giải tỏa được đáng kể trong khi nguồn cung sơ cấp vẫn tiếp tục tăng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo của 58/63 địa phương cho thấy, đến hết năm 2012, thị trường BĐS Việt Nam còn tồn đọng 20.851 căn hộ chung cư; 5176 căn thấp tầng; 1,89 triệu m2 đất nền; 64.847 m2 văn phòng cho thuê với tổng số ước tính là 52.542 tỷ đồng.

Thị trường căn hộ bán năm 2012 vẫn trầm lắng. Trong năm, tổng nguồn cung căn hộ tại Hà Nội giảm 22% và TP Hồ Chí Minh giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, các dự án chào bán chủ yếu nằm trong phân khúc trung bình. Con các căn hộ cao cấp tuy giá đã giảm nhưng vẫn đang ở mức khá cao, vượt quá khả năng của người mua.

Nguồn cung văn phòng cho thuê tiếp tục tăng do nhiều dự án đang trong quá trình hoàn thiện và đã tiến hành chào thuê dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt. Tỷ lệ trống cao, đặc biệt văn phòng hạng A do khu vực doanh nghiệp khó khăn phải cắt giảm chi phí.

Ngoài ra, tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội và Hồ Chí Minh lần lượt đạt khoảng 190.000 m2 và 800.000 m2. Năm 2012, giá thuê tiếp tục giảm nhưng cầu vẫn yếu. Nguyên nhân là do cầu tiêu dùng yếu, khu vực hộ gia đình thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư vào khu vực sản xuất và dịch vụ, chuyển nguồn tiết kiệm vào ngân hàng, hoặc đầu tư vào ngoại tệ, vàng và các tài sản có giá trị khác.

Đặc biệt, phân khúc đất nền và biệt thự là phân khúc kém thanh khoản nhất trên thị trường BĐS. Khi thị trường sôi động, khách hàng của phân khúc này thường là những người mua để đầu cơ đã tạo nhu cầu ảo. Khi thị trường trầm lắng, áp lực trả nợ và lãi vay lớn, phân khúc này giảm giá sâu song cầu thực gần như không có.

Một thời gian dài, tăng trưởng của thị trường BĐS phụ thuộc quá mức vào vốn vay và cầu ảo. Cả chủ đầu tư dự án và người mua đều sử dụng quá mức đòn bẫy tài chính. Do đó, khi bị siết vốn, thị trường giao dịch trầm lắng, cầu thị trường yếu, thị trường xuất hiện ngày một nhiều dự án BĐS dở dang, gây lãng phí lớn về vốn và tài nguyên đất.

Giá tiếp tục giảm

Giá bán căn hộ liên tục giảm ở các phân khúc. Bình quân, giá bán căn hộ đã giảm thêm 15% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, về gần cuối năm, tốc độ giảm giá có xu hướng chậm dần lại.

Năm 2012, mức giảm giá lớn nhất so với mức chào giá ban đầu lên tới 40% cho căn hộ giao thô. Bất chấp nỗ lực giảm giá và bán hàng, cầu căn hộ vẫn thấp, thị trường mất niềm tin và giá bán chưa thực sự đáp ứng được cầu của người tiêu dùng cuối cùng.

Giá bán biệt thự, nhà đất nền liền kề tại các khu đô thị đã giảm tới gần 20% tính đến cuối năm 2012. Xu hướng giảm giá cho phân khúc này đã bắt đầu từ quý 2/2011. Đến quý 1/2013, mặt bằng giá đã về gần mức của quý 3/2010, thời điểm mà giá biệt thự liền kề bắt đầu tăng giá đột biến. Tuy nhiên, dù giá đã giảm nhưng phân khúc này cũng không có nhiều giao dịch thành công, cơ sở hạ tầng và tiện ích còn thiếu.

Theo đó, phân khúc văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ dư cung lớn, giá giảm mạnh, tỷ lệ trống cao. Giá chào thuê cũng giảm cả năm và xu hướng ổn định dần về cuối năm. Trong đó, giá giảm nhiều nhất là phân khúc văn phòng cho thuê tại các khu vực trung tâm. Ngoài ra, một số nơi giá giảm tới 10% trong năm 2012 song tỷ lệ trống tiếp tục tăng cao.

Theo InfoTV

.