.

Vẫn “khát” lương thực trên toàn cầu

.

Vấn đề khủng hoảng lương thực cho đến nay vẫn “nóng” vì câu trả lời cho bài toán khó này vẫn còn bỏ ngỏ. Cuộc sống của 100 triệu người dân nghèo đang bị đe dọa.  

Gạo được bày bán tại một khu chợ ở Manila, Philippines.
Ảnh: THX.

Những người đứng đầu nhiều quốc gia Trung và Nam Mỹ trong tuần này đã nhóm họp để thảo luận về chiến dịch đối phó với tình trạng khủng hoảng lương thực gây ảnh hưởng đến các nước nghèo trên thế giới. Vấn đề giá lương thực tăng đang là tâm điểm được đặt trên bàn nghị sự của nhiều hội nghị khu vực và thế giới trong những tháng gần đây.

Hội nghị trên do Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega chủ trì nhằm nghiên cứu các giải pháp cấp bách giúp châu Mỹ Latinh bảo đảm cung cấp lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước, cũng như thiết lập giá cả hợp lý đối với các vùng xuất khẩu gạo. Tháng 4-2008, các thành viên của Tổ chức Sự lựa chọn Bolivia cho châu Mỹ (ALBA), bao gồm Venezuela, Bolivia, Nicaragua và Cuba đã ký một hiệp định về an ninh lương thực với nguồn quỹ ban đầu trị giá 100 triệu USD để tăng cường sản xuất gạo, lúa mì, cây lấy dầu, thịt, sữa…, đồng thời hướng đến một mạng lưới kinh doanh lương thực trong khối ALBA. Như vậy, khủng hoảng lương thực không phải là vấn đề của riêng các nước đang phát triển, các nước nghèo mà trở thành vấn đề của toàn cầu, tất nhiên bao gồm cả các nước phát triển. Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu huy động các nguồn lực để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và có kế hoạch đề xuất các giải pháp dài hạn để giải quyết tận gốc tình trạng này.
 
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa tuyên bố thành lập nhóm đặc trách cấp cao LHQ, chịu trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi của cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân nghèo toàn cầu và đưa ra giải pháp dài hạn cho vấn đề này. Ngày 12-5, ông Ban Ki-moon sẽ chủ trì cuộc họp đầu tiên của nhóm đặc trách cấp cao LHQ. Thực tế, nhiều quốc gia cũng đang hoạch định các chính sách an ninh lương thực nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước và ngăn chặn những nguy cơ bất ổn xã hội. Ngay cả “đại gia” Mỹ cũng không thể thoát khỏi “cơn sóng thần ngầm” này. Cuộc khủng hoảng lương thực đã bắt đầu lan đến Mỹ từ cuối tháng 4 vừa qua. Nhiều người dân đã đổ xô đi mua gạo với số lượng lớn để tích trữ. Tổng thống Mỹ G.W.Bush cũng đã phải giải ngân 200 triệu USD để viện trợ khẩn cấp cho các nước châu Phi. 

Các chuyên gia nghiên cứu, các nhà phân tích đã có không ít công bố về nguyên nhân thật sự đằng sau nạn thiếu lương thực đang hoành hành. Chẳng hạn như sự khan hiếm đất và nước, sự gia tăng giá phân bón, hạt giống và nhân công cũng như việc tăng giá dầu đã khiến mọi chi phí trở nên đắt đỏ với người nông dân. Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông sinh học nói rằng, yếu tố tác động đáng kể đến việc gia tăng giá lương thực chính là sản xuất nhiên liệu sinh học. Sự tăng cường thu hoạch ngô cho sản xuất ethanol ở Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng đến giá gạo.

Theo các nhà phân tích, khủng hoảng này sẽ không có hồi kết nếu các nước giàu không thay đổi phương thức tiêu thụ năng lượng. Con số thống kê chính thức cho thấy, khoảng 20% ngô của Mỹ, ước tính khoảng 81 triệu tấn, đã được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học trong năm 2007. Ngô được cho là trung tâm của cuộc khủng hoảng lương thực vì đây là một loại hạt chủ yếu dùng cho ngành công nghiệp sản xuất ethanol. Trong hơn một năm qua, việc giá ngô tăng khoảng 44% đã tác động đáng kể tới giá lương thực và giá thực phẩm.

Liên minh châu Âu cũng đang thực hiện các mục tiêu nhiên liệu sinh học với kế hoạch lâu dài đến năm 2020. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, hầu hết 50% nhu cầu tăng lương thực của toàn cầu xuất phát từ việc sản xuất nhiên liệu sinh học của các nước giàu. Các quan chức LHQ cho rằng, 50 lít ethanol cần có 232 kg ngô - một mức đủ để nuôi một đứa trẻ trong suốt một năm.

Tình hình thực tại đang đòi hỏi các nước phải có chính sách an ninh lương thực hợp lý bởi khủng hoảng lương thực đang đe dọa công cuộc xóa đói giảm nghèo của LHQ, và nạn nhân trực tiếp không ai khác, chính là những người nông dân nghèo.                      

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.