.
Hậu trường chính trị

Củng cố quyền lực

.

Việc quyền Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan bất ngờ giải thể nội các làm gia tăng sự không ổn định chính trị ở quốc gia châu Phi này. Tuy ông Jonathan không đưa ra bất kỳ lý do nào về việc giải thể, nhưng các chính trị gia và giới quan sát ở Nigeria đều hiểu rằng đây là động thái củng cố quyền lực chỉ sau một tháng lên nắm quyền. Sự bất ổn chính trị ở Nigeria chính là khoảng trống nội các.

Ông Jonathan được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống vào tháng 2-2010. Ảnh: Reuters
Những thống đốc quyền lực ở 36 bang, các quan chức cao cấp thuộc đảng cầm quyền và các nhóm vận động hành lang khác sẽ thúc đẩy tiến trình lựa chọn các bộ trưởng mới. Mặc dù Bộ trưởng Thông tin Dora Akunyili nói rằng, những thư ký thường trực sẽ đảm nhiệm công việc ở các bộ vào hôm nay (19-3) nhưng sẽ phải mất vài tuần thì nội các do ông Jonathan lựa chọn mới chính thức được phê chuẩn. Hơn nữa, ông Jonathan hiện là nhà lãnh đạo cao nhất và duy nhất bởi khi lên điều hành đất nước, ông không hề có người phó.

Trước khi ông Jonathan được bổ nhiệm làm Tổng thống tạm quyền, Nigeria đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, nội các bị chia rẽ và bạo lực bùng phát do sự chậm chạp khi giải quyết các vấn đề chủ chốt của Tổng thống Umaru Yar’Adua. Từ tháng 11-2009, ông này đến Saudi Arabia điều trị bệnh tim và thận. Hiện nhà lãnh đạo 58 tuổi vốn là người Hồi giáo ở miền Bắc đã trở về nước nhưng do sức khỏe nên ông không xuất hiện trước công chúng. Trong khi đó, ông Jonathan - người miền Nam châu thổ Niger và là đồng minh chính trị của Tổng thống Yar’Adua - được dự đoán sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 4-2011 bởi đã có một thỏa thuận bất thành văn rằng quyền lực sẽ luân phiên giữa miền Bắc và miền Nam.

Song, đảng cầm quyền lại muốn một người Hồi giáo ở miền Bắc sẽ là ứng viên Tổng thống vào năm 2011. Ông Jonathan hiện vấp phải nhiều khó khăn khi trong một năm vừa phải xây dựng một chính phủ không bị chia rẽ, vừa chèo lái quốc gia Tây Phi này đối phó với tình trạng tham nhũng, tình trạng bạo lực ở “Vành đai giữa” - giữa nhóm người Hồi giáo của miền Bắc và Thiên chúa giáo ở miền Nam khiến hàng trăm người thiệt mạng vào năm ngoái.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.