.

Mỹ vẫn là trùm xuất khẩu vũ khí

.

Trong tuần, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển cho biết, Mỹ tiếp tục là nước xuất khẩu vũ khí quân sự hàng đầu thế giới, đứng thứ hai là Nga, và lần lượt tiếp theo là Đức, Pháp và Anh. Trong khi đó, các nước đang phát triển vẫn không ngừng chi những khoản tiền khổng lồ để mua vũ khí, đặc biệt là máy bay chiến đấu. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc gia tăng mua bán vũ khí trên thế giới đang có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong các khu vực có tình hình đặc biệt căng thẳng như ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á và Nam Á.

Xe tăng T72 được sử dụng trong cuộc chiến Iraq. 

Mặc dầu khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng hoạt động mua bán vũ khí trên thị trường khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á vẫn diễn ra hết sức sôi động trong 10 năm trở lại đây. Ở Nam Mỹ, lượng nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua tăng hơn 150% so với lúc bước vào thiên niên kỷ mới. Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình SIPRI cũng cho biết, từ năm 2005 đến 2009, ngân sách mua sắm tên lửa, máy bay chiến đấu, vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác trên thế giới đã tăng 22% so với thời kỳ từ năm 2000 đến 2004, trong đó tăng mạnh nhất là tiền dành cho sắm máy bay chiến đấu. Tiền mua máy bay chiếm 27% trong toàn bộ ngân sách mua sắm vũ khí trên thế giới. Mỹ vẫn là “ông trùm” trong lĩnh vực này với thị phần xuất khẩu vũ khí chiếm 30% toàn thế giới và kiếm được những khoản tiền khổng lồ từ ngành công nghiệp này, trong đó 39% là từ các vụ bán máy bay chiến đấu. Thị trường chính của vũ khí Mỹ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiếp nhận 39% khối lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ, tiếp đó là “điểm nóng” Trung Đông với 36%. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Đứng sau Mỹ, Nga đang giữ vị trí thứ hai với thị phần chiếm 24% toàn bộ thị trường vũ khí thế giới. Khách hàng chính của nước này là Algeria, Venezuela, Ấn Độ và Trung Quốc. Một thông báo của Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác quân sự - kỹ thuật (FS VTS) mới đây cho biết, Nga đang hợp tác quân sự-kỹ thuật với hơn 80 nước trên thế giới, trong đó xuất khẩu vũ khí và sản phẩm quốc phòng tới 62 nước. Tại Nga, 40% doanh thu từ giao thương vũ khí là do bán máy bay chiến đấu. Ông Mikhail Dmitriev – Giám đốc FS VTS – cho biết, trong năm 2009, FS VTS đã xuất khẩu khối lượng sản phẩm quốc phòng trị giá hơn 8,5 tỷ USD. Ông Dmitriev cũng nêu rõ, đây là năm thứ 10 liên tiếp xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của Nga năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời, FS VTS đã nhận được số đơn đặt hàng cho những năm tới trị giá hơn 40 tỷ USD. Ông Dmitriev khẳng định, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đã không tác động tiêu cực đến thành tích của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga.

Tình hình bất ổn chính trị là một trong những lý do quan trọng để các nước trang bị thêm nhiều loại vũ khí mới. 

Ông Anatoly Isaikin – Tổng Giám đốc Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport – cũng cho rằng, triển vọng của ngành xuất khẩu vũ khí Nga năm 2010 vẫn sáng sủa với nhiều hợp đồng mới sẽ được ký kết. Đặc biệt, Nga đang đàm phán với một số nước về việc cung cấp tổ hợp tên lửa-pháo phòng không hiện đại Pantsir. Hiện Nga đã ký hợp đồng cung cấp cho Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất loại vũ khí này. Tổ hợp tên lửa-pháo phòng không hiện đại Pantsir được trang bị một hệ thống rađa 3 tọa độ có khả năng bao quát 10 mục tiêu/phút và có thể phát hiện mục tiêu ở tầm xa 25km.

Nga và Mỹ đang nỗ lực ký kết một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 được Mỹ và Liên Xô ký năm 1991, đã hết hiệu lực vào ngày 5-12-2009. Theo hiệp ước, hai bên cam kết cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và ấn định số lượng tên lửa tầm xa. Trong cuộc gặp tháng 7-2009 tại Moscow, Tổng thống Medvedev và Tổng thống Obama đã nhất trí giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.500 – 1.675 đơn vị và giảm số lượng phương tiện phóng đầu đạn này xuống còn 500 – 1.100 đơn vị trong vòng 7 năm như một phần của hiệp ước mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, cùng với chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, những đe dọa về an ninh do một số điểm nóng tạo ra như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ..., đang đẩy nhanh quá trình vũ trang hóa ở một số nước trong khu vực bằng cách tự trang bị thêm nhiều loại vũ khí mới cho riêng mình trước lo ngại về sức mạnh quân sự của nước khác.

Báo cáo của Viện SIPRI cho biết, tại Đông Nam Á, nhập khẩu vũ khí tăng đáng kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, trong đó ngân sách quân sự của Malaysia tăng 722%. Đặc biệt, Singapore đã trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên lọt vào danh sách 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của SIPRI trong vòng hơn 30 năm qua.


ĐOÀN LƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.