Quốc tế
Bầu cử chật vật
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Afghanistan diễn ra vào cuối tuần qua trong sự chật vật với các vụ tấn công bằng tên lửa và bom của Taliban cùng những đe dọa phá hoại sự kiện quan trọng tại quốc gia Nam Á này.
Các nhân viên an ninh xem xét một điểm bỏ phiếu ở phía Bắc thủ đô Kabul. (Ảnh: EPA) |
Thực hiện đe dọa phá hoại bầu cử, Taliban đã tấn công bằng tên lửa vào thủ đô Kabul trước lúc bình minh ngày 18-9. Tổng cộng 33 vụ nổ bom và 63 vụ tấn công bằng tên lửa dội xuống những thành phố lớn khác khi cử tri đang trên đường đi bỏ phiếu, làm ít nhất 27 chiến binh Taliban, 11 thường dân và 3 cảnh sát thiệt mạng. Tỉnh trưởng tỉnh Kandahar, ông Toryalai Wesa, may mắn thoát chết. Khoảng 20 ứng viên, các nhân viên chiến dịch đã bị bắt cóc chỉ 2 ngày trước khi bầu cử bắt đầu. Tuy nhiên, bạo lực lần này vẫn được cho là ít hơn so với cuộc bầu cử vào năm ngoái với 30 dân thường thiệt mạng.
Hơn 2.500 ứng viên cạnh tranh 249 ghế trong Hạ viện. Trong đó có 406 ứng viên nữ tìm kiếm 68 ghế nhằm bảo đảm cho quyền của phụ nữ được thực hiện tốt hơn. Song, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu rất thấp và Bộ trưởng Quốc phòng Wardak lo ngại nguyên nhân là do các vụ tấn công và khó khăn khi đến các điểm bầu cử đã khiến cử tri ở nhà. Đến cuối ngày 18-9, chỉ có 3,6 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu tại 86% điểm bầu cử.
Thêm vào đó, các cáo buộc gian lận cũng nổi lên. Tại Jalalabad, các quan sát viên nói rằng, những nhân viên trạm bỏ phiếu đã để cử tri đi bầu với thẻ cử tri giả. Ở tỉnh phía Đông Paktia, các nhân viên an ninh đã phát hiện 1.600 thẻ đăng ký bầu cử giả.
Nhiều người dân Afghanistan đã bày tỏ lo lắng về an ninh và gian lận. Họ kêu gọi cần tạo ra nền giáo dục tốt hơn cho thế hệ mới, đồng thời các ứng viên trẻ cần được thay thế cho những người không hoàn thành cam kết trong các chiến dịch tranh cử trước đó. Nhiều người khác cũng nói rằng, sau nhiều năm thất vọng với các chính sách của Chính phủ, nay họ yêu cầu về việc làm, hòa bình và giáo dục. “Chúng tôi đã đươc hứa rằng sẽ có các giải pháp, nhưng chúng tôi không thấy gì cả”, Bawar Hotak - cử tri 32 tuổi đi bỏ phiếu tại Kabul cho biết.
Điều tệ hại nữa là bầu cử đã biến thành thị trường sinh lợi với người mua và kẻ bán phiếu bầu bởi nhiều ứng viên độc lập giàu có mong muốn có được ghế trong Quốc hội. Vị trí này sẽ mang lại cho họ mức lương 2.200 USD/tháng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để làm giàu với tiền hối lộ. Theo một nhà ngoại giao cấp cao ở Kabul, các quan chức tại tỉnh Wardak đã mua phiếu bầu với giá 6 USD/phiếu. Trong khi đó, một nhân viên chiến dịch ở Parwan cho biết, anh nhận điện thoại của một quan chức và đề nghị mua phiếu bầu với giá 20 USD/phiếu.
Ám ảnh và hệ lụy từ cuộc bầu cử năm 2009 vẫn còn đè nặng lên Afghanistan trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy năm ngoái Tổng thống Hamid Karzai tái đắc cử nhưng những tranh cãi về tính gian lận cùng sự chia rẽ trong Chính phủ đã khiến ông điều hành đất nước một cách chật vật. Lần này, nếu cử tri không chấp nhận các kết quả bầu cử, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình Afghanistan cũng như các quốc gia hậu thuẫn cho nước Nam Á này. Lực lượng liên minh nước ngoài đang có 140.000 binh sĩ tại Afghanistan và đổ hàng tỷ USD cho Chính phủ của ông Karzai trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy.
Tướng David Petraeus - Tư lệnh của lực lượng NATO tại chiến trường Afghanistan cùng Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Canada đều ca ngợi sự dũng cảm của người dân khi tham gia bỏ phiếu nhưng đây chỉ là hành động trấn an. Thực chất, chính họ cũng lo ngại những cáo buộc gian lận sẽ làm sụp đổ Chính phủ của ông Karzai.
VĨNH AN