.
Thế giới tuần qua

Cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương

.
Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 quốc gia, bao gồm: Việt Nam, Mỹ, Úc, New Zealand, Malaysia, Brunei, Singapore, Chile và Peru, về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới. Trong đó, việc tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ 21 được đặt ra hàng đầu.

Mô tả ảnh.
Các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại tại Hội nghị APEC. Ảnh: Reuters
 
Chủ trì Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Honolulu, Hawaii (Mỹ) vào cuối tuần qua, Tổng thống Barack Obama nói rằng, các nhà lãnh đạo của 9 nước đã thống nhất về phác thảo mở rộng của TPP. Ông Obama đã thúc đẩy thỏa thuận thương mại này như một giải pháp để tăng đầu tư và xuất khẩu, tạo ra việc làm mới, cạnh tranh và giành chiến thắng trong các thị trường tương lai. Mô tả 21 nền kinh tế APEC là nơi hội tụ động lực tăng trưởng, người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ hy vọng rằng, TPP - hình mẫu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai trên thế giới - có thể sẽ được hoàn tất vào đầu năm tới.

Các nhà lãnh đạo 9 nước tham gia TPP đã cam kết dành những nguồn lực cần thiết để hoàn tất hiệp định. Hiện vẫn còn một số vấn đề khác biệt chưa tìm được tiếng nói chung nhưng 9 nền kinh tế đều thống nhất sẽ tìm ra những cách thức phù hợp trong một gói cam kết tổng thể và cân bằng. Mỹ hy vọng có nhiều cường quốc khác tham gia TPP để nâng tầm ảnh hưởng của hiệp định. Song, Trung Quốc vẫn chưa muốn đối thoại TPP. Còn Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - lại muốn ngồi vào bàn nghị sự.

Quyết định của Nhật Bản khiến Mỹ hoan hỉ. Bởi lẽ, Washington cần đồng minh Tokyo ủng hộ TPP. Còn đất nước hoa anh đào cũng muốn thắt chặt quan hệ với người khổng lồ từ bên kia đại dương để đối phó với các thách thức an ninh khu vực. Giới phân tích cho rằng, TPP có thể giúp cân bằng ảnh hưởng giữa Mỹ với Trung Quốc. Washington vốn mong muốn TPP sẽ cải thiện các mối quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương, đặt nền móng cho chương trình tự do hóa thương mại với sự dẫn đầu của Mỹ, đồng thời cải thiện quan niệm của châu Á đối với cam kết của cường quốc hàng đầu thế giới tại khu vực này, cũng như đối phó với thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trung Quốc mô tả kế hoạch tự do hóa thương mại khu vực Thái Bình Dương là quá tham vọng nhưng phát biểu bên lề Hội nghị APEC, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn bày tỏ ủng hộ mục tiêu dài hạn của TPP, có thể với sự tham gia của tất cả thành viên.

APEC chiếm 40% dân số thế giới, 55% GDP thế giới, 44% thương mại toàn cầu và 58% xuất khẩu Mỹ. Chủ trì Hội nghị APEC lần này, nhất là thúc đẩy TPP, là cơ hội để Tổng thống Obama gia tăng uy tín của ông ở trong nước. Theo đuổi TPP là mục tiêu Mỹ đặt ra nhằm lấy lại các đồng minh trong khu vực, khi trọng tâm đối ngoại của Nhà Trắng đang dịch chuyển dần sang châu Á (không chỉ tập trung vào khu vực Đông Bắc Á mà phải cả khu vực châu Á); đồng thời dọn con đường ngắn nhất cho sự trở lại của Washington trong tương lai.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.