.

"MH370 đang ở chế độ bay tự động thì gặp tai nạn"

.

Cơ quan điều tra vừa cho biết chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines đã ở chế độ "bay tự động" trong khoảnh khắc trước khi nó đâm xuống biển.

Phi công thuộc lực lượng Không quân New Zealand sử dụng máy bay P-3K2-Orion trong một cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích ngoài khơi thành phố Perth ngày 13/4.
Phi công thuộc lực lượng Không quân New Zealand sử dụng máy bay P-3K2-Orion trong một cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích ngoài khơi thành phố Perth ngày 13-4.

Phó Thủ tướng Australia Warren Truss đưa ra tin trên khi ông thông báo cuộc tìm kiếm mới nhằm lần ra dấu vết MH370 sẽ bắt đầu trong tháng Tám.

Chiếc máy bay mang theo 239 người và phi hành đoàn đã mất tích trong ngày 8/3, không lâu sau khi cất cánh rời Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh.

Ông Warren Truss cho biết cuộc tìm kiếm mới sẽ dịch chuyển xa hơn về phía Nam trên Ấn Độ Dương, dọc theo một hành lang hẹp được xem là nơi an nghỉ cuối cùng của máy bay.

Cơ quan điều tra nói rằng chút ít bằng chứng họ có trong tay cho thấy chiếc máy bay đã cố tình bị đảo hướng đi chệch đích đến hàng ngàn cây số, trước khi đâm xuống biển.

Cuộc tìm kiếm đã thu hẹp trong tháng Tư vừa qua, sau khi người ta ghi nhận hàng loạt tín hiệu ping, được cho là phát ra từ hộp đen của máy bay. Các tín hiệu này phát đi từ một vị trí nơi người ta tin rằng chiếc máy bay đã lao xuống.

Nhưng một tháng sau, cơ quan điều tra thừa nhận xác máy bay không có trong khu vực tìm kiếm và họ sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm.

"Khu vực mới được ưu tiên vẫn tập trung quanh vòng cung thứ bảy, nơi chiếc máy bay liên lạc lần cuối với vệ tinh. Chúng tôi giờ đã dịch chuyển sự quan tâm tới khu vực xa hơn về phía Nam, nằm dọc theo vòng cung này," ông Truss nói.

Ông cho biết khu vực tìm kiếm ưu tiên mới được xác định sau khi người ta xem xét lại dữ liệu vệ tinh và các thông tin radar ban đầu, thu được vào thời điểm máy bay đột ngột đảo hướng và bay qua bán đảo Malaysia ra biển.

"Nhiều khả năng máy bay đã ở trong chế độ tự động, nếu không, nó đã không thể đi theo một lộ trình có trật tự như vậy," ông Truss nói với các phóng viên.

Hai con tàu, một của Trung Quốc và một thuộc công ty kỹ thuật Hà Lan Fugro, đang vẽ bản đồ đáy biển dọc theo vòng cung kể trên, với độ sâu ở một số khu vực vượt quá mốc 5.000m.

Giai đoạn tìm kiếm tiếp theo sẽ bắt đầu từ tháng Tám, kéo dài khoảng một năm, bao phủ một diện tích rộng 60.000km2 và gây tốn kém chừng 56 triệu USD hoặc hơn. Tới nay, cuộc tìm kiếm đã thuộc hàng đắt đỏ nhất lịch sử hàng không.

TTXVN

;
.
.
.
.
.