.

Sức ép với Thủ tướng Iraq

.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đứng trước sức ép của Washington cũng như thế giới Arab: ông sẽ phải từ chức nếu không có hy vọng thống nhất một đất nước đang bị xâu xé, khi các chiến binh Hồi giáo nổi dậy sắp tiến về thủ đô Baghdad.

Những người Shiite muốn tham gia vào lực lượng an ninh của Iraq để chống lại các chiến binh nổi dậy.  		                   Ảnh: AFP
Những người Shiite muốn tham gia vào lực lượng an ninh của Iraq để chống lại các chiến binh nổi dậy. Ảnh: AFP

Ngày 19-6, các quan chức cấp cao của Mỹ nói với hãng CNN rằng, chính phủ của Tổng thống Barack Obama tin ông Nouri al-Maliki không phải là nhà lãnh đạo mà Iraq cần để thống nhất đất nước và kết thúc căng thẳng sắc tộc. Vị Thủ tướng Hồi giáo Shiite đang bị cáo buộc phân biệt đối xử với cộng đồng thiểu số Sunni Arab. Theo CNN, các quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao Arab cho rằng, Nhà Trắng hiện tập trung vào sự chuyển giao chính trị, thúc đẩy một chính phủ gồm người Sunni, Shiite và Kurd, mà không có sự hiện diện của ông Maliki.

Bằng những động thái rất nhanh, lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL, còn gọi là ISIS), một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã chiếm phần lớn khu vực phía bắc Iraq. ISIL cam kết tiến đến thủ đô Baghdad cùng các thành phố linh thiêng của người Shiite như Karbala và Najaf - nơi có các ngôi đền được tôn kính. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định của Iraq kể từ khi Mỹ rút quân vào cuối năm 2011. ISIL được thành lập năm 2013 và lợi dụng mâu thuẫn giữa chính phủ với cộng đồng người Sunni Arab thiểu số để gây chiến. Lực lượng này muốn thành lập một Nhà nước Hồi giáo trải dài từ Iraq đến phía bắc Syria.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Maliki khẳng định sẽ đương đầu với chủ nghĩa khủng bố và đánh bại âm mưu này. Ông đề nghị Mỹ hỗ trợ bằng các cuộc không kích.

Trong lúc đó, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Obama không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc không kích tại Iraq. “Điều duy nhất mà ngài Tổng thống loại trừ đó là gửi quân trở lại chiến đấu tại Iraq, song ông tiếp tục cân nhắc các lựa chọn khác”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói.

Cuộc khủng hoảng ở Iraq trong lúc này được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của Đảng Cộng hòa cho biết, Tổng thống Obama nói với Quốc hội Mỹ rằng, ông cảm thấy không cần các nhà lập pháp phê chuẩn cho hành động ở Iraq. Ngày 18-6, ông Obama đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Quốc hội về kế hoạch đối phó với làn sóng tấn công của ISIL tại Iraq. Năm ngoái, ông Obama cũng tuyên bố không cần sự phê chuẩn của Quốc hội đối với kế hoạch can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, ông Obama đã từ bỏ kế hoạch này sau khi Quốc hội phản đối.

Riêng lần này, theo Nhà Trắng, Tổng thống Obama có thể đơn phương ra lệnh can thiệp vào Iraq vì chính quyền Baghdad đã đề nghị Mỹ không kích ISIL. Song, các nhà phân tích cho rằng, Washington sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nếu mở các đợt không kích.

Điều mà Mỹ quan tâm là một chính phủ đoàn kết ở Iraq để chống lại lực lượng Hồi giáo nổi dậy và bảo đảm an ninh lâu dài cho quốc gia vùng Vịnh này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, chính phủ hiện tại không bảo đảm cam kết tìm tiếng nói chung giữa người Sunni, Kurd và Shiite. Còn ông Maliki bác bỏ các cáo buộc và cho rằng cuộc khủng hoảng là dịp để người dân Iraq thể hiện sự đoàn kết dân tộc.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.