Thủ tướng Hà Lan hôm qua ra lệnh treo cờ rủ tại các tòa nhà chính phủ khắp cả nước, để tưởng nhớ ít nhất 154 công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay kinh hoàng nhất trong lịch sử nước này.
Người dân thắp nến và mang theo hoa tập trung ở Đại sứ quán Hà Lan để tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay rơi. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cắt ngang kỳ nghỉ ở Đức để quay về Hà Lan, sau khi nhận được thông tin về vụ máy bay rơi. Phát biểu tại sân bay Schiphol, ông gọi ngày hôm qua là “một ngày đen tối” đối với Hà Lan.
“Tất cả công dân Hà Lan đều đang để tang cho các nạn nhân xấu số. Ngày mùa hè tuyệt vời này đã kết thúc theo một cách đen đủi nhất có thể”, Reuters dẫn lời thủ tướng nói.
Chiếc máy bay Boeing 777 chở 295 người của hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở phía đông Ukraine hôm 17-7, trong hành trình từ Amsterdam về Kualua Lumpur . Bộ Nội vụ Ukraine cho biết toàn bộ 280 hành khách và 15 thành viên tổ bay đều thiệt mạng. Trên máy bay có ít nhất 154 công dân Hà Lan, trong đó có ba trẻ sơ sinh.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Tonny Abbott cho rằng nếu nguyên nhân khiến máy bay rơi là một hành động cố ý, thì đó sẽ là “một tội ác ghê tởm” và thủ phạm cần được nhanh chóng đưa ra công lý.
Thủ tướng tin rằng có ít nhất 23 công dân Australia có mặt trên chuyến bay định mệnh mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines. Nếu con số này được xác nhận, Australia sẽ là quốc gia có số hành khách thiệt mạng nhiều thứ hai trong vụ rơi máy bay ở Ukraine, sau Hà Lan.
“Đây quả là một khoảng thời gian đáng buồn, rất đáng buồn. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi các báo cáo cho rằng đây là một vụ tấn công chứ không phải một vụ tai nạn”, ông Abbott nói.
Theo Thủ tướng Australia Tony Abbott, nếu chiếc máy bay đúng là bị tên lửa bắn hạ, thì trong trường hợp nào đi nữa, tội ác này và những tên tội phạm cần được nhanh chóng đưa ra ánh sáng công lý. Ông Abbott đồng thời từ chối đưa ra bình luận về nguyên nhân rơi máy bay, nhấn mạnh rằng các báo cáo vẫn chưa được xác nhận hoàn toàn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố đây là một “bi kịch khủng khiếp”. Ông cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của Mỹ là xác minh xem có công dân Mỹ nào thiệt mạng hay không. Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng kêu gọi điều tra toàn diện vụ rơi máy bay.
Thủ tướng Anh David Cameron gửi tin nhắn lên trang Twitter: “Tôi bị sốc nặng và vô cùng đau đớn”. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói lời chia buồn với gia đình các nạn nhân. Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Ivo Opstelten cho biết ông choáng váng khi nhìn thấy những hình ảnh “khủng khiếp” tại hiện trường máy bay rơi.
Ở Kuala Lumpur (Malaysia), nhiều thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines cũng đã ùa đến sân bay để đòi nhà chức trách cung cấp tin tức. Nhiều người tỏ ra bị sốc, khóc lóc thảm thiết. Một số người nổi giận đùng đùng vì Malaysia Airlines chưa cung cấp đầy đủ thông tin về toàn bộ số hành khách trên máy bay.
Phó chủ tịch hãng hàng không Malaysia Airlines tại châu Âu Huib Gorter cho biết thân nhân của hành khách thiệt mạng sẽ được hỗ trợ nếu họ yêu cầu, và có thể được bay từ hoặc Kuala Lumpur đến Kiev. “Bạn sẽ không thể tưởng tượng được chuyện gì đang xảy ra với những người này (thân nhân) vào lúc này. Họ là mối quan tâm chính của chúng tôi”, ông nói.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak lên tiếng đòi đòi công lý cho các nạn nhân. "Chính quyền Ukraine tin rằng máy bay đã bị bắn rơi. Hiện tại Malaysia chưa thể xác minh nguyên nhân bi kịch này, Nhưng chúng tôi sẽ tìm ra. Nếu quả thực là máy bay bị bắn rơi, chúng tôi muốn những kẻ thủ ác phải bị đưa ra đối diện với công lý” - ông Najib khẳng định.
Trong khi đó, Boeing, hãng sản xuất chiếc phi cơ gặp nạn, gửi lời chia buồn đến thân nhân những người xấu số.
"Tâm trí và những lời nguyện cầu của chúng tôi theo cùng những người đi trên chiếc MH17 cũng như gia đình và người thân của họ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ (việc điều tra)", hãng này viết.
VnExpress/TTO