Tại Liberia, một trong 3 quốc gia chịu ảnh hưởng Ebola nặng nhất, ngày càng nhiều bác sĩ, y tá rời bỏ công việc vì sợ nhiễm loại virus chết người trong quá trình điều trị.
Một nhân viên y tế đưa cho đồng nghiệp thông tin người bệnh vào cuối ca trực tại trung tâm điều trị Ebola ở Monrovia (Liberia). Ảnh: Reuters |
Nỗi sợ đó không phải vô căn cứ. Ngày 14-10, Bệnh viện St Georg ở thành phố Leipzig, miền nam nước Đức, thông báo nhân viên Liên Hợp Quốc bị nhiễm virus Ebola tại Tây Phi đã tử vong sau khi đến quốc gia châu Âu này để điều trị từ tuần trước.
Hiện số nhân viên y tế ở lại đương đầu với dịch Ebola tại Liberia ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử ngành y nước này. Một trung tâm điều trị Ebola của Liberia ở Bệnh viện JFK phải đóng cửa vì nhiều nhân viên đã lặng lẽ ra đi trong nỗi khiếp đảm trước nguy cơ trở thành nạn nhân Ebola tiếp theo.
Thực tế tại Liberia cho thấy, trong khi Mỹ và các quốc gia khác đang hỗ trợ hàng trăm triệu USD để xây dựng các trung tâm điều trị và cung cấp trang thiết bị phòng- chữa bệnh, thì nỗi lo lớn nhất với Tây Phi trong cuộc chiến Ebola không phải là thiếu cơ sở vật chất, mà là thiếu nhân lực ngành y.
Cũng phải nói thêm một nguyên nhân khác, tại nhiều trung tâm điều trị Ebola của Liberia, các nhân viên y tế rất bất bình khi đề xuất của họ về chế độ bồi dưỡng cho công tác điều trị dịch bệnh bị chính phủ bác bỏ. Theo báo Washington Post, một bác sĩ làm việc tại trung tâm điều trị Ebola có mức lương khoảng 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, nhiều khi họ không nhận được lương theo quy định.
Nhiều chuyên gia thế giới từng khẳng định, sẽ không có dịch Ebola nếu có tiền. Nói cách khác, nghèo túng chính là nguyên nhân đẩy dịch bệnh này vượt tầm kiểm soát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính tới thời điểm này, 230 nhân viên y tế đã chết vì dịch Ebola. Nếu so với con số 11 nhân viên ngành y qua đời trong đại dịch Zaire năm 1976, con số kỷ lục vừa nêu thực sự gây hoang mang, chấn động, nhất là khi vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thực sự nào với Ebola.
Có 3 nguyên nhân chính khiến số nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Ebola ở mức báo động như vậy. Thứ nhất, họ không được tiếp cận với các trang thiết bị và dụng cụ bảo hộ cần thiết trong khi làm việc. Thứ hai, vì dịch bệnh này chưa từng bùng phát tại Tây Phi nên nhiều bác sĩ không biết họ đang tiếp xúc với bệnh nhân mắc Ebola để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Thứ ba, số người nhiễm Ebola trong đại dịch này quá lớn. Năm 1976, tổng số người bệnh Ebola tử vong là 280 người thì số bệnh nhân Ebola năm 2014 dự kiến cao hơn con số đó gần 20 lần.
Còn một nguyên nhân khác nữa, do quy mô dịch Ebola bùng phát quá lớn, lượng nhân viên y tế ở Tây Phi không đủ cung ứng. WHO ước tính, để ứng phó với đại dịch, cần số nhân viên y tế gấp 20 lần con số hiện tại (khoảng 20.000 nhân viên sở tại và 1.000 nhân viên quốc tế).
TRẦN ĐẮC LUÂN