Trước sức ép và cả “tối hậu thư” từ những người biểu tình, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh kiên quyết không từ chức.
Những người biểu tình gia tăng áp lực với chính quyền Hong Kong. Ảnh: AFP |
Các thủ lĩnh của phong trào “Occupy central with love and peace” (Chiếm giữ trung tâm với tình yêu và hòa bình, gọi tắt là Occupy Central - chiếm giữ trung tâm) nói rằng, nếu lãnh đạo đặc khu không từ chức vào ngày 1-10, họ sẽ gia tăng hành động, trong đó có việc chiếm các trụ sở quan trọng của chính quyền.
Reuters cho biết, sáng 1-10, hàng ngàn người biểu tình tiếp tục đổ xuống các tuyến phố tại khu trung tâm nhằm gây áp lực với chính quyền Hong Kong thân Bắc Kinh. Những người biểu tình tuyên bố sẵn sàng đàm phán với chính phủ Trung Quốc đại lục và chính quyền Hong Kong, nhưng không đối thoại với Trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh.
Đáng chú ý là cuộc biểu tình diễn ra đúng vào ngày Quốc khánh Trung Quốc (1-10). Khi lễ thượng cờ bắt đầu, những người biểu tình im lặng, đồng loạt quay lưng lại, hàm ý tẩy chay lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, họ không ngăn cản được buổi lễ này.
Kể từ năm 1997, khi Hong Kong trở về với Trung Quốc, đặc khu này thường tổ chức bắn pháo hoa để kỷ niệm ngày 1-10. Song năm nay, do bất ổn chính trị nên chính quyền đặc khu hủy bỏ việc bắn pháo hoa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bất chấp việc những người biểu tình la hét, ông Lương Chấn Anh nói rằng cử tri nên đồng ý với kế hoạch do Bắc Kinh đề ra theo đó, hạn chế quyền tự do của người Hong Kong trong việc lựa chọn người đứng đầu đặc khu vào năm 2017. Nhà lãnh đạo này còn nhấn mạnh: Hong Kong và Trung Quốc đại lục có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ trong tiến trình phát triển, đồng thời kêu gọi người dân “tay trong tay để đưa giấc mơ của người Trung Quốc thành hiện thực”.
Thực tế, trước khi biểu tình bùng phát, tỷ lệ ủng hộ ông Lương Chấn Anh tại Hong Kong rất thấp. Theo khảo sát của Chương trình Ý kiến công chúng, do Đại học Hong Kong thực hiện từ ngày 17-9 đến 22-9, tỷ lệ ủng hộ ông Lương Chấn Anh chỉ đạt 21%.
Cũng trong ngày 1-10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Washington để bàn thảo về tình hình Hong Kong. Một ngày trước đó, đề cập mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và các đặc khu hành chính: Hong Kong và Ma Cau, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, chính phủ của ông sẽ kiên định việc thực hiện “một quốc gia, hai chế độ”, sẽ bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong.
Theo các nhà quan sát, những gì đang diễn ra tại Hong Kong là thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh kể từ khi kiểm soát đặc khu này từ Anh. Chính phủ Trung Quốc đang đứng trước những lựa chọn khó khăn: hoặc nhân nhượng và điều chỉnh kế hoạch cải cách bầu cử; hoặc dùng vũ lực để giải tán đám đông biểu tình.
Trong khi đó, tại Đài Bắc, du học sinh Hong Kong cũng xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ quê nhà.
PHÚC NGUYÊN