.
Thế giới tuần qua

Thông điệp hòa bình của Malala

.

Cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai, người trẻ tuổi nhất vừa trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình, đã có động thái kiến tạo hòa bình khi mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đến dự lễ trao giải ở Oslo (Thụy Điển) vào tháng 12 tới. Lễ trao giải sẽ vinh danh cô cùng nhà hoạt động 60 tuổi người Ấn Độ Kailash Satyarthi với “những tranh đấu chống lại áp bức trẻ em, thanh - thiếu niên và quyền được đến trường của mọi trẻ em”.

Malala Yousafzai trở thành biểu tượng của phong trào nữ quyền.                      Ảnh: AP
Malala Yousafzai trở thành biểu tượng của phong trào nữ quyền. Ảnh: AP

“Giải thưởng này dành cho tất cả trẻ em không có tiếng nói và tiếng nói của các em cần được lắng nghe”, Malala đã nói như vậy tại một cuộc họp báo khi biết tin mình được trao giải Nobel Hòa bình. Tại Birmingham (Anh), cô phát biểu bằng ba thứ tiếng, lời nói dường như có sự kết hợp kỳ diệu giữa tầm nhìn của một người ở tuổi mới lớn với tố chất của nhà ngoại giao.

Hành trình của Malala đến với giải thưởng hòa bình cao quý lần này quả không đơn giản. Sự đáp trả từ Taliban tưởng như đã cướp đi sinh mạng của Malala. Câu chuyện ám sát một cô bé 15 tuổi trên xe buýt vào tháng 10-2012 gây chấn động dư luận. Cô được đưa vào bệnh viện quân y gần thủ đô Islamabad trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã lấy viên đạn khỏi đầu Malala, sau đó cô được chuyển đến Anh…

"Vũ khí vô cùng lợi hại của chúng ta chính là những cuốn sách và những cây bút. Một đứa bé, một nhà giáo, một cuốn sách và một cây viết có thể làm thay đổi cả thế giới. Mở mang trí tuệ là biện pháp duy nhất. Việc giáo dục cần được ưu tiên"

Malala phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm 2013, khi đó cô 16 tuổi

Kể từ khi được đưa đến Anh điều trị, Malala sống tại xứ sở sương mù này. Thế giới biết đến Malala với lòng can đảm khi đấu tranh cho quyền được đến trường của các bé gái ở thung lũng Swat, phía tây bắc Pakistan. Và cô gái bé nhỏ trở thành biểu tượng của phong trào nữ quyền.   

Điều đáng nói là việc Ủy ban Nobel lựa chọn Malala diễn ra trong lúc có thông tin 17 thường dân thiệt mạng do bạo lực ở khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Vì vậy, AFP gọi việc Malala mời hai nhà lãnh đạo của hai nước này cùng tham dự lễ trao giải ở Oslo là động thái kiến tạo hòa bình, để New Delhi và Islamabad có thể gạt bỏ những bất đồng trong quá khứ cũng như hiện tại.

Theo NBC News, hiện Malala không thể trở về nước do những đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, nhưng giải Nobel Hòa bình mà cô nhận được là niềm kích lệ lớn lao đối với hàng triệu phụ nữ và các bé gái Pakistan. Theo thống kê, khoảng 70% dân số nông thôn ở quốc gia Nam Á này mù chữ, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, nhà làm phim Sharmeen Obaid-Chinoy, người đã mang về cho Pakistan giải Oscar đầu tiên, cho rằng việc Malala giành Nobel Hòa bình gửi một thông điệp mạnh mẽ trên khắp đất nước.

Aseefa Bhutto Zardari, con gái của cựu Thủ tướng Asif Zardari và cố Thủ tướng Benazir Bhutto, đã gặp gỡ gia đình Malala trong lúc cô điều trị tại Anh. Và giờ đây, bà Aseefa cũng vui mừng nói rằng, giải Nobel Hòa bình của Malala không đơn thuần là sự tưởng thưởng cho cá nhân mà là giải thưởng của cả Pakistan. Còn theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, “chiến thắng thật sự của ngày hôm nay là trẻ em trên thế giới”.

AP cho biết, Malala vẫn muốn một ngày nào đó trở lại Pakistan và tham gia chính trị, với mong muốn dùng vũ khí lợi hại là những cuốn sách và cây bút để tiếp tục cuộc đấu tranh. “Đe dọa lớn nhất với Taliban là một bé gái mang theo một cuốn sách”, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom xác nhận.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.