Các giải pháp khôi phục hòa bình ở đông Ukraine sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko diễn ra tuần này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) sẽ gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bên lề Hội nghị ASEM. Ảnh: AP |
Hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) ở thành phố Milan của Ý vào ngày 16 và 17-10 đang được mong đợi. Bởi lẽ, thế giới quan tâm đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine hiện nay - cuộc khủng hoảng đánh dấu sự căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
AP dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, tại Hội nghị ASEM, Tổng thống Putin sẽ có hàng loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo phương Tây và đề cập vấn đề Ukraine. Theo Yuri Ushakov, trợ lý của Tổng thống Putin, người đứng đầu Điện Kremlin cũng sẽ hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau đó, ông có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Pháp, Ý, Anh, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là cơ hội đầu tiên để Tổng thống Putin thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine với phương Tây kể từ chuyến công du Pháp của ông vào tháng 6 vừa qua.
Vấn đề tranh chấp khí đốt kéo dài cũng được đặt ra tại Hội nghị ASEM khi Ukraine đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa đông này nếu không đạt được một thỏa thuận cung cấp khí đốt với Nga. Hơn nữa, việc gián đoạn nguồn cung khí đốt đối với châu Âu vào năm 2006 và 2009 được dự báo sẽ lặp lại. Châu Âu tiếp nhận 1/3 lượng khí đốt từ Nga, trong đó hơn 1/2 phải đi qua các đường ống ở Ukraine. Điều đáng nói là Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine sau khi Kiev không thanh toán các khoản nợ.
Trong lúc này, các quan chức Nga và Ủy ban châu Âu cho rằng, sẽ có thể đạt được thỏa thuận. Cuối tuần qua, ngay cả Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng hy vọng “một tiến triển đáng kể” đối với vấn đề này tại bàn đàm phán ở Milan.
Tuy nhiên, có những quan ngại rằng, thỏa thuận sẽ khó đạt được và trở nên phức tạp do bất ổn ở đông Ukraine chưa có hồi kết. Kiev và phương Tây khăng khăng chỉ trích Nga đã cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai nổi dậy, trong đó có việc bắn rơi máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia chở 298 người.
Còn Nga vẫn bác bỏ cáo buộc này và quy trách nhiệm cho chính phủ Kiev. Ngay cả thỏa thuận ngừng bắn ở đông Ukraine giữa Mátxcơva và Kiev cũng không được tuân thủ bởi bạo lực vẫn diễn ra ở vùng chiến sự. Vì vậy, theo các nhà quan sát, khó tìm tiếng nói chung giữa Nga với Ukraine - quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.
Hiện Nga bị Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận. Song, trả lời phỏng vấn đài CNBC (Mỹ) ngày 15-10, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định việc cài đặt lại quan hệ giữa Mátxcơva với Washington là điều không thể nếu chưa tháo dỡ các biện pháp cấm vận. “Điều đó chắc chắn là không thể. Cần nói rõ, chúng tôi không đưa ra những biện pháp trừng phạt nhưng các đối tác quốc tế của chúng tôi đã làm như vậy. Không thể phủ nhận thực tế là điều này đã gây tổn hại đến mối quan hệ của chúng ta”, ông Medvedev nói.
Còn hãng Interfax của Nga dẫn lời Thủ tướng Medvedev cho rằng, việc trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Mátxcơva là điều ngớ ngẩn và không mang tính xây dựng.
PHÚC NGUYÊN