Quốc tế

Câu chuyện quốc tế

Bùng nổ du lịch chữa bệnh tại Đông Nam Á

07:54, 29/12/2014 (GMT+7)

Theo tính toán của một công ty của Mỹ, năm 2013, doanh thu từ lĩnh vực du lịch chữa bệnh toàn cầu đạt khoảng 55 tỷ USD với 11 triệu lượt du khách. Trong bối cảnh đó, các nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn với loại hình du lịch này.

Bà Alexandria Garvie, 65 tuổi người Úc vừa trải qua một ca phẫu thuật hút mỡ bụng ở một bệnh viện tư tại Kuala Lumpur, Malaysia.Ảnh: AFP
Bà Alexandria Garvie, 65 tuổi người Úc vừa trải qua một ca phẫu thuật hút mỡ bụng ở một bệnh viện tư tại Kuala Lumpur, Malaysia.Ảnh: AFP

Mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu vẫn chưa tới lượt được điều trị ở các bệnh viện đã quá tải tại Bangladesh, bà Nusrat Hussein Kiwan (65 tuổi), vợ một doanh nhân xây dựng Bangladesh, quyết định tìm cơ hội chữa bệnh trên Internet.

Sau một hồi vào Google tìm kiếm, bà Kiwan chọn cách tới Malaysia để làm phẫu thuật mạch máu trong tim. Phải bỏ ra 20.000 USD để điều trị tại một bệnh viện tư của Malaysia nhưng bà Kiwan vẫn hài lòng.

Bà Kiwan là một trong nhiều du khách tham gia dịch vụ du lịch chữa bệnh của Công ty Patients Beyong Borders có trụ sở tại Mỹ. Công ty này cũng là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đang góp mặt trong thị trường du lịch chữa bệnh bùng nổ toàn cầu. Theo ước tính của Patients Beyong Borders, chỉ tính riêng năm ngoái, doanh thu toàn thế giới ở lĩnh vực này tăng thêm 25%, đạt 55 tỷ USD với 11 triệu lượt khách.

Có cầu ắt có cung

Du lịch kết hợp chữa bệnh là loại hình dịch vụ được biết tới và dần phổ biến từ những năm 1980. Thời điểm đó được đánh dấu bằng việc các nước thuộc khu vực châu Mỹ Latinh như Costa Rica và Brazil bắt đầu chào mời các dịch vụ khám chữa nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ cho khách hàng Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, du lịch kết hợp chữa bệnh chỉ thực sự phát triển và trở thành ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ USD trong 10 năm trở lại đây, nhờ sự nâng cấp đáng kể trong hệ thống công nghệ y học chăm sóc sức khỏe của các nước, phát triển mạng lưới đi lại đường hàng không và sự phổ biến thông tin trên mạng Internet giúp mở rộng “chân trời lựa chọn” với nhiều thượng đế.

Cùng với đó là hàng loạt dịch vụ được tích hợp trong mô hình du lịch chữa bệnh, từ hỗ trợ điều trị vô sinh ở Barbados tới phẫu thuật thẩm mỹ ở Brazil; từ phẫu thuật điều trị tim, mắt ở Malaysia tới phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan.

Theo ông Josef Woodman, Tổng giám đốc điều hành của hãng Patients Beyond Borders, dịch vụ du lịch - chữa bệnh bùng nổ do thực trạng dân số đang ngày càng già đi, số người có tiền ngày càng đông hơn và nhu cầu được chăm sóc tại các bệnh viện chất lượng cao cũng lớn hơn.

Ông Josef cho rằng, điều đó càng đúng hơn khi nhìn vào khu vực châu Á. Đây là nơi vẫn phổ biến tình trạng nhiều bất cập trong việc chăm sóc sức khỏe, khiến hàng triệu người có tiền ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí cả ở Mỹ, Anh đều muốn tìm kiếm các dịch vụ y tế chất lượng cao mà trong nước họ chưa có.

Các “tay chơi mới” ở Đông Nam Á

Trong bối cảnh chung, nhiều “tay chơi” mới nổi trong lĩnh vực này ở châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Thái Lan đều đang dốc sức quảng bá về lợi thế tiết kiệm tới 80% chi phí khám chữa bệnh của họ so với dịch vụ tương đương tại các nước phát triển. Chưa kể một số công ty còn tổ chức các chương trình trọn gói, giúp khách hàng vừa kết hợp đi sửa mũi, vừa tắm biển.

Đông Nam Á được xem như điểm đến nhiều tiềm năng của thị trường du lịch chữa bệnh. Với nhiều thập kỷ phát triển hệ thống chăm sóc y tế chất lượng cao, giá thành các dịch vụ đó tại khu vực này cũng rất cạnh tranh. Đi du lịch chữa bệnh tại các nước ở khu vực này, trong khi du khách giàu có thì muốn tìm dịch vụ giá rẻ, các du khách ít tiền hơn lại muốn có được dịch vụ chất lượng cao.

Từ năm 2010, thị trường du lịch - chữa bệnh của Malaysia tăng gần gấp đôi lượng du khách và tới cuối năm ngoái, nước này có doanh thu 200 triệu USD với 770.000 lượt bệnh nhân (theo số liệu do chính phủ Malaysia công bố). Ông T. Mahadevan, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư ở Malaysia khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn vẫn đứng sau Thái Lan, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua Singapore trong lĩnh vực này”.

Trong khi đó, năm 2012, Thái Lan thu hút 2,53 triệu khách du lịch chữa bệnh. Mặc dù trong đó bao gồm cả những du khách sử dụng dịch vụ spa, nhưng chỉ trong 2 năm, lượng khách này đã tăng 1/3 và đem về doanh thu cho Thái Lan gần gấp đôi với khoảng 4,2 tỷ USD.

Năm ngoái, du khách chữa bệnh đến Singapore đã dốc hầu bao khoảng 630 triệu USD. Theo ước tính của Patients Beyond Borders, mỗi năm, quốc đảo này thu hút được hơn nửa triệu du khách có nhu cầu chữa bệnh. Hầu hết là công dân đến từ quốc gia láng giềng Malaysia, nơi có hệ thống y tế chưa hiện đại bằng.

Năm 2009, Malaysia còn thành lập riêng một bộ phận chuyên trách điều phối và tổ chức các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh. Tổ chức Patients Beyond Borders gọi Malaysia là “bí mật vẫn được giữ kín của lĩnh vực du lịch chữa bệnh” khi ở đây có rất nhiều người dân có thể nói tiếng Anh thông thạo và mức viện phí rẻ hơn rất nhiều so với ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác có nền y tế phát triển.

Bà Alexandria Gavie (61 tuổi, công dân Úc) vừa trải qua một ca phẫu thuật hút mỡ bụng tại bệnh viện tư ở Kuala Lumpur. Bà dĩ nhiên đã rất hài lòng khi chỉ phải bỏ ra 5.000 USD cho ca phẫu thuật, mức giá chỉ bằng 1/4 so với khoản tiền nếu làm trong nước.

Hầu hết du khách chữa bệnh tới Malaysia là những người có tiền ở Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và trong tương lai tới có lẽ sẽ có thêm thành phần quý tộc ở Trung Đông.

Không chỉ du lịch chữa bệnh, mà còn có sự nở rộ của nhiều dịch vụ liên quan. Chẳng hạn, doanh nghiệp Beautiful Holidays trên đảo Penang của Malaysia đã nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khách hàng, kết nối du khách ngoại quốc với các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trong nước, sắp xếp nơi ăn nghỉ và bố trí đưa họ tới các dịch vụ khám sức khỏe tổng thể.

TRẦN ĐẮC LUÂN
 

.