Quốc tế
Châu Âu đối thoại về "Dòng chảy phương Nam"
Hôm nay (9-12), các cuộc đối thoại giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) về dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” sẽ diễn ra, bất chấp việc Nga đã tuyên bố ngừng dự án này.
Dự án đường ống dẫn khí đốt mới chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong chuyến thăm Ankara hồi đầu tháng này. Trong ảnh: Tổng thống Putin (trái) gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters |
Theo Ủy ban châu Âu, EU tiến hành đối thoại về dự án “Dòng chảy phương Nam” bởi vấn đề an ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu và châu lục già cỗi này cũng muốn tìm nguồn cung cấp khác thay thế nguồn cung từ Nga, hoặc giảm phụ thuộc năng lượng vào Mátxcơva.
Hiện nhiều nước như Serbia, Bulgaria và Áo cảm thấy sốc trước quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc ngừng dự án “Dòng chảy phương Nam”. Với Serbia, Bulgaria, việc đường ống được đưa vào sử dụng sẽ mang lại nguồn lợi lớn bởi các nước này sẽ thu phí trung chuyển. Hơn nữa, Serbia đã bỏ chi phí đầu tư 30 triệu euro và dự kiến thu lại bằng phí trung chuyển. Trong khi đó, Áo đã xây dựng trên lãnh thổ nước này các cơ sở lưu trữ để trở thành trung tâm phân phối khí đốt của “Dòng chảy phương Nam”. Vì vậy, với Áo, thiệt hại cũng không nhỏ khi dự án bị ngừng.
Giám đốc điều hành “Dòng chảy phương Nam” của Bulgaria, ông Dimitr Gogov, khẳng định không có việc vi phạm các quy định của châu Âu trong quá trình xây dựng dự án này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cảnh báo, nếu dự án không được thực hiện thì cả Nga lẫn EU đều bị thiệt hại nặng nề, chứ không riêng gì Serbia. Tuyên bố của Ngoại trưởng Dacic được đưa ra tại cuộc họp báo ở thủ đô Belgrada ngày 7-12. Theo ông, Serbia bị thiệt hại do không có sự lựa chọn nào khác để thay thế tuyến đường ống “Dòng chảy phương Nam”.
Reuters cho biết, việc Tổng thống Putin hồi đầu tháng này bất ngờ tuyên bố ngừng dự án “Dòng chảy phương Nam” đi qua lãnh thổ Bulgaria, Serbia, Hungary và Slovenia, thay vào đó là tuyến đường ống mới chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, đã gây ra nhiều tranh cãi cũng như phản ứng từ phía châu Âu. Bởi lẽ, “Dòng chảy phương Nam” là một dự án khổng lồ với trị giá lên đến 40 tỷ USD, thuộc sở hữu 50% của công ty dầu khí lớn nhất của Nga là Gazprom, nhằm đưa khí đốt đến phía nam châu Âu. Theo Reuters, dự án cung cấp 63 tỷ m3 khí đốt/năm, tương đương 10% nhu cầu của châu Âu.
Thực tế, 30% nhu cầu khí đốt của châu Âu đến từ Nga; trong đó, 1/2 lượng khí đốt được trung chuyển qua đường ống ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine và “cuộc chiến” khí đốt giữa Nga với Ukraine làm châu Âu càng muốn giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga được vận chuyển qua Kiev. Nếu “Dòng chảy phương Nam” thất bại, châu Âu vẫn phải phụ thuộc vào dòng khí từ Nga qua Ukraine.
Ông Putin lý giải rằng, từ tháng 6-2014, “Dòng chảy phương Nam” phải ngừng do không nhận được giấy phép xây dựng của Bulgaria. Song, phía Bulgaria bác bỏ cáo buộc này. Trong khi đó, châu Âu cho rằng, nguyên nhân chính khiến Nga ngừng dự án là sự bất ổn về tài chính và chính trị của quốc gia này, nhất là khi Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mátxcơva xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo thỏa thuận giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, một đường ống dẫn khí đốt có cùng kích cỡ như đường ống “Dòng chảy phương Nam” được xây dựng dưới biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 1/5 lượng khí chuyển qua của Nga sẽ được dành cho Ankara, phần còn lại sẽ được vận chuyển đến một điểm tại biên giới với Hy Lạp.
Chưa rõ châu Âu sẽ có giải pháp gì với “Dòng chảy phương Nam”. Song, theo các nhà phân tích, việc hủy bỏ dự án này càng minh chứng tình trạng căng thẳng giữa Nga với phương Tây.
PHÚC NGUYÊN