Quốc tế
Cuộc chiến chống IS có thể kéo dài
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng cuộc chiến này có thể kéo dài nhiều năm.
Máy bay F-4 của Iran được cho là đã tham gia các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq. Ảnh: AFP |
Ngày 3-12, tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì cuộc họp cấp cao đầu tiên của liên minh 60 nước do Washington chỉ huy, nhằm bàn thảo giải pháp tiêu diệt IS đang hoành hành ở Iraq và Syria.
Reuters cho biết, nhiều vấn đề được đặt ra tại cuộc họp này như: giải pháp quân sự hiệu quả để chống IS; ngăn chặn tổ chức này tuyển mộ chiến binh nước ngoài; ngăn chặn nguồn thu khổng lồ của IS từ hoạt động mua bán dầu mỏ, cướp bóc, buôn người. Một điều quan trọng không kém được đặt lên bàn nghị sự là vấn đề viện trợ nhân đạo cho người Iraq và Syria, những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến này.
Theo Ngoại trưởng Kerry, đến nay, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành khoảng 1.000 cuộc không kích ở Iraq và Syria. Chiến dịch không kích được bắt đầu sau khi các chiến binh Sunni chiếm giữ các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq. Chiến dịch này sau đó lan rộng sang Syria. “Cam kết của chúng ta sẽ có thể kéo dài trong nhiều năm nhưng nỗ lực của chúng ta đã tạo ra những tác động đáng kể”, ông Kerry nói.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, phần chủ lực của IS tại Iraq đã tiêu tan; lực lượng Iraq đã chiếm lại các khu vực quanh Mosul và bên trong Tikrit, đồng thời tăng cường an ninh xung quanh một số nhà máy lọc dầu. Ở phía tây bắc Iraq, lực lượng người Kurd cũng đang chống IS. Trong khi đó, tại Syria, các cơ sở chỉ huy của IS đã bị phá hủy, các cơ sở dầu cũng bị thiệt hại và biên giới thị trấn Kobani bị phong tỏa.
Ông Kerry có mặt tại Brussels để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào ngày 2-12. Cuộc họp bàn về giải pháp chống IS cũng nằm trong kế hoạch của Mỹ nhằm “trấn an” đồng minh và tìm kiếm sự hợp tác chính trị giữa các thành viên liên minh. Ông Kerry ca ngợi vai trò của các nước Arab trong cuộc chiến này.
Tham dự cuộc họp, ngoài Iraq còn có các đại diện từ Kuwait, Bahrain và Maroc. Đối với việc ngăn chặn IS chiêu mộ chiến binh, giải pháp sẽ được các bên thảo luận tại cuộc họp vào ngày 5-12 ở Maroc.
Vấn đề ở đây là Iran dường như tỏ rõ sự không hợp tác với Mỹ. Washington nói rằng, Tehran không phải là thành viên của liên minh nhưng đã thực hiện các cuộc không kích chống IS tại Iraq, cụ thể là đã sử dụng máy bay F-4 Phantoms để tham gia chiến dịch trong một vài ngày qua.
Tuy nhiên, Tehran bác bỏ điều này. Theo một quan chức cấp cao của Iran, nước này chưa hề có bất kỳ cuộc không kích nào nhằm vào các mục tiêu của IS tại nước láng giềng Iraq. “Iran chưa bao giờ liên quan đến bất kỳ chiến dịch không kích nào chống IS ở Iraq. Việc phối hợp trong những cuộc không kích như thế với Mỹ không phải là vấn đề của Iran”, một quan chức nói.
Theo các nhà quan sát, Iran là đồng minh của chính phủ Iraq và là quốc gia đầu tiên đề nghị hỗ trợ quân sự cho chiến dịch chống IS. Washington và Tehran đã có những cuộc thảo luận về mối đe dọa chung (IS) nhưng đến nay chưa rõ các bên sẽ phối hợp như thế nào. Nếu cả hai nước đều có những chiến dịch riêng rẽ tại không phận của cùng một đất nước thì vấn đề phối hợp càng được đặt ra để tránh những vụ va trạm.
Ước tính, hiện IS có khoảng 30.000 chiến binh đang hoạt động tại Iraq và Syria.
PHÚC NGUYÊN