Quốc tế

Thế giới lên án việc CIA tra tấn tù nhân

09:49, 12/12/2014 (GMT+7)

Những lời kêu gọi liên tục được đưa ra tại Mỹ và trên thế giới, đòi hỏi phải đưa ra tòa việc CIA sử dụng biện pháp tra tấn - một hồ sơ mà chính quyền Obama dường như cho là đã khép lại.

Hàng rào kẽm gai bao quanh khu quân sự gần làng Stare Kiejkuty, một trong những nơi được cho là giam giữ tù nhân của CIA.
Hàng rào kẽm gai bao quanh khu quân sự gần làng Stare Kiejkuty, một trong những nơi được cho là giam giữ tù nhân của CIA.

Vào lúc mà người Mỹ phát hiện bản báo cáo đáng lo ngại của Thượng viện về sự thô bạo của các cuộc thẩm vấn hàng mấy chục tù nhân của CIA, Bộ Tư pháp ngay lập tức cảnh báo rằng hồ sơ này sẽ không được mở lại. Một viên chức giấu tên của Bộ này cho biết "không có thông tin mới" nào được tìm thấy trong báo cáo công bố hôm thứ Ba 9-12, dựa trên một cuộc "điều tra chiều sâu" tiến hành năm 2009, do đó duy trì quyết định ban đầu là không khởi tố hình sự.

Tuy vậy, các chi tiết trong báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện, mô tả các tù nhân bị treo lên nhiều ngày trong bóng tối, bị ném vào tường, nhúng vào bồn nước lạnh giá, không cho ngủ…đã gây giận dữ trên toàn thế giới. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các luật sư đề nghị Washington khởi tố các nhân vật liên can.

Đức tố cáo việc này "vi phạm nghiêm trọng các giá trị dân chủ", trong khi Liên hiệp châu Âu cho rằng các tiết lộ trên "cho thấy các vấn đề quan trọng về vi phạm nhân quyền của chính phủ Mỹ".

Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Ben Emmerson đòi hỏi "những người chịu trách nhiệm" cần phải trả lời trước tòa án.

Tân Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani cho biết rất "tức giận", lên án các "hành động vô nhân đạo" đã nuôi dưỡng "vòng lẩn quẩn" bạo lực sau các sự kiện ngày 11-9-2001. Ngay cả Iran, thường xuyên bị Liên Hiệp Quốc đả kích về nhân quyền, cũng tuyên bố đây là "dấu hiệu của sự chuyên chế chống lại nhân loại".

Báo cáo không nêu ra nước nào đã cho CIA đặt các trung tâm thẩm vấn, nhưng cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski (nhiệm kỳ 1995-2005) lần đầu tiên đã xác nhận rằng CIA có tiến hành các cuộc hỏi cung thô bạo trên lãnh thổ nước mình, và mong muốn những người chịu trách nhiệm của Mỹ phải bị trừng phạt.

Tổng thống Litva, bà Dalia Grybauskaite khẳng định Litva sẵn sàng "chịu trách nhiệm", trong khi Viện Kiểm sát nước này điều tra về sự hiện diện của các trung tâm thẩm vấn bí mật CIA nếu có.

Bản báo cáo mà kết luận bị CIA phản bác, cho biết cơ quan tình báo Mỹ đã dùng các kỹ thuật thẩm vấn thô bạo, đôi khi không được chính quyền đồng tình.

Một trong những người chủ trương là nhà tâm lý học James Mitchell khi trả lời phỏng vấn trang thông tin Vice nói: "Có vẻ hoàn toàn thiếu ý thức khi cho rằng việc tát Khaled Cheikh Mohammed (được cho là bộ óc tổ chức vụ tấn công ngày 11-9) là xấu, còn phóng hỏa tiễn Hellfire vào một gia đình đang đi picnic, sát hại trẻ em…là tốt".

Cựu Phó Tổng thống Dick Cheney thời Tổng thống George W.Bush (2001-2009) - lúc CIA tiến hành tra tấn - còn đi xa hơn, khẳng định báo cáo của Thượng viện "đầy những thứ tầm phào". Ông nói: "Tôi nghĩ rằng thật đáng tiếc khi báo cáo không hề hỏi han đến các nhân vật chủ chốt có liên quan đến chương trình".

Tổng thống Barack Obama phản ứng: "Không có quốc gia nào hoàn hảo cả". Ngoại trưởng John Kerry thì tuyên bố: "Chúng tôi đảm bảo trách nhiệm của mình trong thời kỳ khủng khiếp ấy, và chúng ta cần hãnh diện là đã làm được".

Theo RFI
 

.