Quốc tế

IS dọa giết con tin Jordan

07:49, 30/01/2015 (GMT+7)

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) nói rằng, họ sẽ hành quyết phi công Jordan ngay lập tức nếu trong ngày 29-1 chính phủ Amman không trao trả nữ đánh bom khủng bố người Iraq.

Ông Safi al-Kaseasbeh (trái), cha của Mu’ath al-Kaseasbeh, tham gia cuộc biểu tình ở Jordan ngày 28-1. Ông đã cầu khẩn chính phủ Jordan đáp ứng yêu cầu của IS. 		                      Ảnh: AP
Ông Safi al-Kaseasbeh (trái), cha của Mu’ath al-Kaseasbeh, tham gia cuộc biểu tình ở Jordan ngày 28-1. Ông đã cầu khẩn chính phủ Jordan đáp ứng yêu cầu của IS. Ảnh: AP

Một đoạn băng ghi âm được IS công bố có giọng nói của nhà báo tự do người Nhật Kenji Goto. Theo đó, Goto nói rằng, những kẻ bắt cóc ông sẽ giết chết phi công Mu’ath al-Kaseasbeh nếu Jordan không thả Sajida al-Rishawi. Và Jordan phải trao trả Rishawi tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trước lúc mặt trời lặn ngày 29-1. Đây là thông điệp mới nhất của IS trong lúc cuộc khủng hoảng con tin liên quan đến Nhật Bản và Jordan diễn ra căng thẳng. Một ngày trước đó, Jordan nói rằng sẵn sàng trao trả Rishawi, người phụ nữ liên quan đến vụ đánh bom liều chết ở Amman vào năm 2005, để đổi lấy công dân nước mình. Song, Jordan muốn xác minh Kaseasbeh vẫn an toàn hay không và không bình luận gì về số phận của công dân Nhật Goto.

Trong lúc đó, Nhật Bản đang lo lắng về sự an toàn của Goto. Tokyo đã nhờ Jordan hỗ trợ trong việc cứu các con tin. Song, các nhà chức trách của xứ sở hoa anh đào cũng biết rằng, với áp lực trong nước, Jordan phải ưu tiên cứu tính mạng của phi công Kaseasbeh.

Như vậy, “tối hậu thư” của IS đã gia tăng thời hạn để trao đổi tù binh lấy con tin. Theo Reuters, tuyên bố của các nhà chức trách Jordan về việc sẵn sàng phóng thích Rishawi nếu IS cũng thả Kaseasbeh làm dấy lên lo ngại rằng, số phận của nhà báo Goto không còn có trong thỏa thuận giữa Amman và IS. Tuy nhiên, CNN dẫn lời Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh khẳng định dĩ nhiên việc phóng thích con tin Nhật Bản vẫn là một phần điều kiện trao đổi mà nước này đặt ra với IS.

Reuters cho rằng, cuộc khủng hoảng con tin là phép thử về ngoại giao lớn nhất đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2012 với cam kết tăng cường vai trò của nước này trong vấn đề an ninh toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp nội các và tại Quốc hội ngày 29-1, Thủ tướng Abe nói rằng, chính phủ của ông đang nỗ lực để bảo đảm việc phóng thích Goto. Ông cũng nhấn mạnh Nhật Bản đang tìm kiếm sự hợp tác từ Jordan nhưng Tokyo sẽ không nhượng bộ khủng bố và sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế. Theo nhà lãnh đạo này, chính phủ sẽ làm mọi cách để bảo vệ công dân Nhật Bản ở trong nước và nước ngoài khỏi mối đe dọa khủng bố. “Chúng ta không quá sợ khủng bố và không nhượng bộ chúng”, ông Abe nói.

Cuộc khủng hoảng con tin xảy ra sau khi Thủ tướng Abe công bố viện trợ phi quân sự 200 triệu USD cho các nước đang đối phó với IS và việc viện trợ hoàn toàn mang tính nhân đạo. Ông Abe nhiều lần nói rằng, hòa bình và ổn định ở Trung Đông quan trọng đối với chiến lược năng lượng của Nhật Bản. Thực tế, quốc gia nghèo tài nguyên này phụ thuộc lớn vào lượng dầu nhập khẩu từ Trung Đông.

BÌNH YÊN

.