Quốc tế

"Tối hậu thư" 24 giờ của IS

Nhật Bản tức giận

07:29, 29/01/2015 (GMT+7)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 28-1 bày tỏ sự tức giận và yêu cầu các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phóng thích con tin của nước này.

Video clip do IS công bố ngày 27-1 cho thấy nhà báo Kenji Goto cầm bức ảnh phi công Mu’ath al-Kaseasbeh.		Ảnh: AP
Video clip do IS công bố ngày 27-1 cho thấy nhà báo Kenji Goto cầm bức ảnh phi công Mu’ath al-Kaseasbeh. Ảnh: AP

Chính phủ Nhật Bản và Jordan phải chạy đua với thời gian để cứu hai con tin: nhà báo tự do Kenji Goto và phi công Mu’ath al-Kaseasbeh, khi thời hạn cuối mà IS đặt ra là đêm 28-1 (giờ Nhật Bản).

Trong video mới được IS công bố ngày 27-1, các chiến binh dọa giết Goto và Kaseasbeh trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu Jordan không phóng thích Sajida al-Rishawi, nữ khủng bố đang bị nước này giam giữ do liên quan đến một vụ tấn công nhằm vào một khách sạn làm 60 người chết năm 2005.  

AP dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe chỉ trích gay gắt tối hậu thư của IS. “Đây là hành động cực kỳ hèn hạ và chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ”, ông tuyên bố.

Nhà lãnh đạo này nói rằng, trong tình huống căng thẳng, chính phủ Nhật Bản vẫn không thay đổi quan điểm trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ Jordan để bảo đảm nhà báo Goto được trở về nhà và không nhượng bộ khủng bố.

Bà Junko Ishido, mẹ của Goto, van nài Thủ tướng Abe phối hợp với Jordan để cứu con trai của bà. “Hãy cứu tính mạng của Kenji Goto”, người phụ nữ này khẩn khoản.

Trong khi đó, ông Safi al-Kaseasbeh, cha của phi công Mu’ath al-Kaseasbeh, cầu khẩn các nhà chức trách Jordan hãy đáp ứng yêu cầu của IS.

“Sự an toàn của Kaseasbeh đồng nghĩa với sự ổn định của Jordan và cái chết của Kaseasbeh đồng nghĩa với sự hỗn loạn tại Jordan”, ông Safi nói.

Khoảng 200 người thân của Kaseasbeh biểu tình bên ngoài văn phòng Thủ tướng Jordan ở thủ đô Amman, với các khẩu hiệu chống chính phủ và thúc giục đáp ứng yêu cầu của những kẻ bắt cóc.

Viên phi công 26 tuổi đã bị IS bắt giữ khi chiếc máy bay F-16 của anh rơi gần thành phố Raqqa của Syria vào tháng 12 năm ngoái. Anh là phi công quân sự nước ngoài đầu tiên bị IS bắt kể từ khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành chiến dịch không kích chống lực lượng chiến binh vốn được cho là mối đe dọa của nhiều nước trên thế giới.

Theo một thành viên của Quốc hội Jordan, nước này đã đàm phán gián tiếp với các chiến binh. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Bassam Al-Manasseer nói với hãng tin Bloomberg rằng, các cuộc đàm phán thông qua những thủ lĩnh bộ tộc và tôn giáo ở Iraq nhưng Amman và Tokyo sẽ không đàm phán trực tiếp với IS, cũng như sẽ không phóng thích Rishawi chỉ để đổi lấy Goto.

Với nhận định của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Jordan, các nhà phân tích cho rằng, chính phủ nước này và Tokyo có thể để ngỏ việc trao đổi tù binh. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama đang ở Amman để thúc đẩy việc hợp tác cứu con tin.

Song, Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Jordan khẳng định Amman sẵn sàng giao Rishawi nếu Kasaesbeh được phóng thích.

AP cho biết, đây là lần đầu tiên IS muốn đổi con tin để lấy tù binh. Ban đầu, nhóm này đưa ra điều kiện rằng Nhật Bản phải trả 200 triệu USD để chuộc 2 con tin. Song giờ đây, IS thay đổi điều kiện.

Giới phân tích bình luận rằng, động thái này nhằm chia rẽ các đồng minh thân thiết của Mỹ trong cuộc chiến do Washington dẫn đầu ở Trung Đông.

Việc trao đổi tù binh sẽ đi ngược lại với chính sách của Mỹ, đồng minh chính của Nhật Bản. Washington vốn phản đối việc thương thảo với lực lượng cực đoan. IS cũng muốn buộc Jordan, một quốc gia Hồi giáo ôn hòa phải tìm cách cân bằng khi một bên là áp lực trong nước đối với việc phải đưa Kaseasbeh về nhà, một bên là sự thận trọng để không làm tổn hại mối quan hệ với Nhật Bản.

BÌNH YÊN

.