Quốc tế
Người Hồi giáo là nạn nhân chính của bạo lực
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, người Hồi giáo đang là nạn nhân chính của bạo lực Hồi giáo cực đoan. “Trong lúc đối mặt với khủng bố, tất cả chúng ta hãy đoàn kết”, nhà lãnh đạo này nói.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tham dự lễ tưởng niệm các nhân viên cảnh sát sau vụ tấn công ở Paris. Ảnh: AFP |
Phát biểu của Tổng thống Francois Hollande đưa ra vào ngày 15-1 trong lúc lễ an táng các nhân viên tuần báo châm biếm Charlie Hebdo được tổ chức ở Paris. 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp với 20 người chết, trong đó có 3 tay súng, đã làm chấn động nước Pháp và thế giới. Hai kẻ tấn công được cho là thành viên của Al-Qaeda tại Yemen và một kẻ khác - liên quan đến vụ tấn công siêu thị Do Thái - thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các vụ tấn công xảy ra trong lúc tại Pháp và các nước châu Âu dấy lên phong trào bài Do Thái. Theo đó, các cuộc biểu tình phản đối phong trào bài Do Thái cũng đã được tổ chức rầm rộ tại nhiều nước châu Âu trong những ngày qua.
Hãng AP dẫn lời Tổng thống Hollande cho biết, người Hồi giáo đang là nạn nhân chính của bạo lực Hồi giáo cực đoan; đồng thời khẳng định: Bất kỳ hành động chống Hồi giáo và chống Do Thái nào đều phải bị trừng phạt. Song, ông kêu gọi người dân điềm tĩnh để tránh làm gia tăng căng thẳng tôn giáo sau khi nước Pháp hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong nhiều thập niên qua.
Mối quan ngại trong lúc này là người Hồi giáo tại Pháp cần được bảo vệ. Trong bài phát biểu tại Học viện Thế giới Arab - một viện văn hóa thúc đẩy mối quan hệ giữa Pháp với thế giới Arab, ông Hollande đề cập việc cần bảo vệ và tôn trọng hàng triệu người Hồi giáo ở Pháp.
Các nhà phân tích cho rằng, các vụ tấn công tại Paris có thể chưa dừng lại, mà chỉ là sự khởi đầu, bởi Pháp là quốc gia đầu tiên tham gia liên minh của Mỹ chống IS bằng việc tiến hành các cuộc không kích ở Iraq. Ngày 14-1, Tổng thống Hollande còn nói rằng, tàu sân bay Charles de Gaulle của nước ông sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động quân sự chống IS ở Iraq. IS đang được cho là lực lượng nguy hiểm còn hơn cả Al-Qaeda, không những đe dọa nền an ninh Mỹ mà còn nhiều nước khác.
Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cam kết thúc đẩy các giải pháp an ninh chống lại các chiến binh Hồi giáo và không để quốc gia châu Âu này bị chia rẽ. Bà nói rằng, không được có bất kỳ sự tẩy chay nào đối với người Hồi giáo, cũng không có bất kỳ sự nghi ngờ nào. “Là Thủ tướng, tôi sẽ bảo vệ người Hồi giáo ở đất nước này”, bà Merkel nói.
Các biện pháp mà Đức áp dụng bao gồm: thắt chặt lệnh cấm ra nước ngoài đối với những người bị tình nghi là chiến binh thánh chiến, thúc đẩy hình phạt đối với việc tài trợ khủng bố. Không những thế, Đức cũng sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí, đồng thời tham gia huấn luyện quân sự cho các chiến binh người Kurd chống lại IS ở Iraq và Syria.
Trước đó, Tổng thống Đức Joachim Gauck cùng các nhà lãnh đạo Berlin và đại diện một số tổ chức tôn giáo tham dự buổi mít-tinh lớn để lên án chủ nghĩa khủng bố, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp và cộng đồng tôn giáo.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry dự kiến đến thăm Pháp nhằm chia sẻ với Paris và tái khẳng định cam kết của Washington trong việc sát cánh với Điện Elysée để chống khủng bố. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng sẽ gặp gỡ Tổng thống Hollande ở Paris vào hôm nay (16-1). Trong cuộc tuần hành quy mô lớn chưa từng có tại Pháp ngày 11-1, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã “tay trong tay” bày tỏ tình đoàn kết nhưng thiếu sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
BÌNH YÊN