Quốc tế

Pháp tuyên chiến với IS

07:43, 14/01/2015 (GMT+7)

Pháp khẳng định phải loại bỏ những tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và không rút các hoạt động quân sự ở nước ngoài sau các vụ tấn công làm 17 người chết ở Paris vào tuần trước.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Duesseldorf (Đức) phản đối chủ nghĩa cực đoan và phong trào chống Hồi giáo. Những người biểu tình mang biểu ngữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).   Ảnh: AP
Các cuộc tuần hành diễn ra ở Duesseldorf (Đức) phản đối chủ nghĩa cực đoan và phong trào chống Hồi giáo. Những người biểu tình mang biểu ngữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie). Ảnh: AP

Các nhà quan sát cho rằng, đây là lời tuyên chiến của Pháp sau khi quốc gia châu Âu này rúng động vì các vụ tấn công liên tiếp trong 3 ngày. An ninh ở Paris vẫn được thắt chặt với mức báo động cao nhất.
Theo Reuters, sau Mỹ, Pháp có số máy bay và binh sĩ tham gia liên quân quốc tế chống IS lớn nhất. Khoảng 3.500 binh sĩ và lực lượng đặc biệt của Pháp cũng đang có mặt ở khu vực Sahel-Sahara thuộc châu Phi để truy lùng các chiến binh liên quan đến Al-Qaeda. Tháng 1-2013, Pháp đưa quân đến Mali để chống lại các chiến binh Hồi giáo đã nắm quyền kiểm soát nhiều sa mạc rộng lớn phía bắc. Và giờ đây, tức tròn 2 năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng, Paris đang đối mặt với “cùng mối đe dọa” ngay trên lãnh thổ quê nhà. Phát biểu với đài Europe 1, ông Le Drian xác nhận điều này và đề cập việc 10.000 binh sĩ đang được triển khai trên khắp nước Pháp để bảo đảm an ninh ở những khu vực then chốt.

Tối 13-1 (giờ Paris), Quốc hội Pháp cũng sẽ bỏ phiếu về việc mở rộng sứ mệnh quân sự của nước này tại Iraq, sau 4 tháng tiến hành các cuộc không kích chống IS. Trong một đoạn video, một trong những kẻ thực hiện vụ tấn công hồi tuần trước nói rằng, chính các hoạt động của Pháp ở nước ngoài là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động của y. Điện Elysée hiện không có chủ trương rút binh sĩ đang tham gia các chiến dịch chống IS về nước. Trái lại, Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian nhấn mạnh: “Việc đáp trả phải được thực hiện ở trong và ngoài nước Pháp. IS là một lực lượng khủng bố với các tay súng ở khắp nơi… Lực lượng này phải bị loại bỏ và đó là lý do vì sao chúng ta tham gia liên quân”.

Bên cạnh đó, khoảng 1.120 công dân Pháp đang liên quan đến các chiến binh thánh chiến ở Iraq cũng như Syria và đây là mối lo ngại đối với giới chức Paris. Song, Thủ tướng Manuel Valls nói rằng, có đến 1.400 người sống ở Pháp đã tham gia hoặc đang lên kế hoạch tham chiến với các phiến quân ở Iraq và Syria. Theo nhà lãnh đạo này, anh em nhà Cherif và Said Kouachi giết chết 12 người ở tuần báo Charlie Hebdo có thể là hai trong số những người đã rời nước Pháp để được huấn luyện nhằm giết chóc và gieo rắc khủng bố. Thêm một nghi can nữa là Fritz-Joly Joachin (công dân Pháp) đã bị các nhà chức trách Bulgaria bắt giữ ngày 1-1 vừa qua khi tìm cách vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Joachin bị cho là đã tiếp xúc với một trong hai anh em nhà Cherif và Said Kouachi.

Cũng trong ngày 13-1, thi thể của 4 nạn nhân người Do Thái trong vụ bắt cóc con tin ở siêu thị thực phẩm tại Paris đã được đưa về Israel trước khi diễn ra tang lễ có sự tham dự của Thủ tướng nước này, ông Benjamin Netanyahu. Theo AP, cái chết của Yohan Cohen, Yoav Hattab, Francois-Michel Saada và Phillipe Braham đã gây chấn động 500.000 người trong cộng đồng Do Thái ở Pháp. Theo yêu cầu của gia đình các nạn nhân, ông Netanyahu đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan của chính phủ phải đưa thi thể về Israel.

Báo Charlie Hebdo ấn hành 3 triệu bản

Sau cuộc tuần hành quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Pháp vào ngày 12-1, tờ Charlie Hebdo đăng hình ảnh đấng tiên tri Mohammed lên trang bìa số ra ngày 14-1, số phát hành đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào tuần báo này. Theo đó, đấng tiên tri Mohammed mang biểu ngữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), bên dưới tít đề “Tout est Pardonne” (Tất cả đều được tha thứ). Các nhà quan sát cho rằng, động thái này là thái độ thách thức của Charlie Hebdo, bất chấp việc tuần báo bị tấn công vì đã đăng tải tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammed.

Không những thế, số lượng của Charlie Hebdo lên đến 3 triệu bản và được phát hành ở 25 quốc gia, thay vì con số 60.000 bản. Luật sư của tuần báo, ông Richard Malka, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ, nếu không thì mọi điều sẽ vô nghĩa”. Trước đó, nhà phân phối của Charlie Hebdo dự kiến con số được in là 1 triệu bản.

PHÚC NGUYÊN

.