Quốc tế

Pháp huy động lực lượng an ninh chưa từng có

07:46, 13/01/2015 (GMT+7)

Cuộc họp nội các do Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ trì vào ngày 12-1 bàn về các giải pháp an ninh sau 3 vụ khủng bố. Và Paris cũng huy động lực lượng an ninh chưa từng có để đối phó với mối đe dọa khủng bố.

Binh sĩ Pháp tuần tra trước Tháp Eiffel ở Paris. 		    	                                      Ảnh: AFP
Binh sĩ Pháp tuần tra trước Tháp Eiffel ở Paris. Ảnh: AFP

AFP cho biết, giới chức Pháp đang tập trung tìm hiểu về lỗ hổng an ninh, được cho là nguyên nhân dẫn đến việc không ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở quốc gia châu Âu này trong nửa thế kỷ qua - vụ thảm sát ở tuần báo châm biếm Charlie Hebdo và 2 vụ bắt cóc con tin diễn ra sau đó với 17 người bị sát hại.

Tổng thống Hollande cảnh báo nước ông tiếp tục tăng cường an ninh với cấp độ cao nhất trong lúc đối mặt với nguy cơ xảy ra những vụ việc tương tự. Và Pháp tuyên bố đợt triển khai lực lượng chưa từng có với 15.000 binh sĩ cùng cảnh sát hiện diện tại những “khu vực nhạy cảm” như 717 trường học Do Thái, các nhà thờ Do Thái và Hồi giáo. “Đây là lần đầu tiên quân đội triển khai lực lượng như vậy trên lãnh thổ của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói.

Ngay trước khi bắt đầu cuộc họp nội các, Thủ tướng Manuel Valls nói rằng, Amedy Coulibaly - một trong những kẻ tấn công - có thể đã được một kẻ nào đó tiếp tay. “Cuộc truy lùng (các đồng phạm) vẫn sẽ được tiếp tục”, ông Valls cam kết. Theo nhà lãnh đạo này, cuộc truy lùng mang tính cấp bách bởi mối đe dọa vẫn hiển hiện, đồng thời phải làm tất cả để bảo đảm an ninh của đất nước.

Cả ba tay súng, bao gồm anh em Said Kouachi (34 tuổi), Cherif Kouachi (32 tuổi) và Amedy Coulibaly (32 tuổi) đều có quá khứ là những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan, đồng thời được tình báo Pháp biết đến. Vì vậy, Thủ tướng Manuel Valls không ngần ngại khi thừa nhận rằng, lực lượng an ninh đã thất bại bởi anh em nhà Kouachi đã có tên trong danh sách khủng bố của Mỹ từ nhiều năm qua.

Said đã đến Yemen vào năm 2011 và tại đây, y đã được chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Arab huấn luyện về vũ khí. Trong khi đó, Cherif là kẻ thánh chiến, bị truy tố vào năm 2008 vì liên quan đến mạng lưới đưa các chiến binh đến Iraq.

Cũng trong ngày 12-1, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, nghi can khủng bố thứ tư, Hayat Boumeddiene, được cho là đồng hành với Amedy Coulibaly trong vụ tấn công, đã từ Madrid (Tây Ban Nha) đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 2-1.

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người phụ nữ 26 tuổi này đã lưu lại một khách sạn ở Kadikoy, thuộc Istanbul. Sau đó, Boumeddiene đến Syria vào ngày 8-1. Thông tin của Ngoại trưởng Cavusoglu cho thấy, khi các vụ tấn công xảy ra, Boumeddiene không có mặt tại Pháp.

Điều này trái với những đồn đoán rằng Boumeddiene liên quan đến các vụ việc gây chấn động ở Paris. Các nước phương Tây vốn cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không nỗ lực ngăn chặn các chiến binh thánh chiến tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành tại Iraq và Syria.

Tuy nhiên, Ankara khẳng định nước này đang tăng cường an ninh ở biên giới và phương Tây phải có trách nhiệm chia sẻ thông tin tình báo. Cũng theo Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà chức trách Ankara không bắt giữ Boumeddiene do không nhận được bất kỳ thông tin nào từ Pháp.

Điều đáng nói là việc 4 con tin Do Thái thiệt mạng ở siêu thị thực phẩm tại Porte de Vincennes làm gia tăng nỗi lo sợ trong cộng đồng người Do Thái ở châu Âu.

THIÊN BÌNH

.