Quốc tế

Câu chuyện quốc tế

Khi quan chức bị phạt

07:50, 02/02/2015 (GMT+7)

Hai vụ việc quan chức phải nhận án phạt vào cuối tuần qua tuy ở hai đất nước thuộc hai châu lục khác nhau, nhưng không phải không có những điểm chung khiến chúng ta suy ngẫm...

Chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho tại phiên tòa xét xử con gái của ông, cô Cho Hyun-ah.  								Ảnh: Reuters
Chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho tại phiên tòa xét xử con gái của ông, cô Cho Hyun-ah. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ bị phạt vì không dọn tuyết

Tờ Huffinton Post dí dỏm bình luận, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có rất nhiều danh hiệu và tước vị, ví như Ngoại trưởng Mỹ, cựu Thượng nghị sĩ, từng là ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng nay, nhà ngoại giao “xông pha Đông - Tây” này phải “đeo” thêm “tước hiệu” không hề muốn: “Người vi phạm quy định về dọn tuyết”.

Tuần vừa rồi, khi trận bão tuyết lớn đổ xuống thành phố Boston, nơi có nhà riêng của ông Kerry, tuyết dồn lên dày tới 60cm, Thị trưởng thành phố Martin Walsh đã tuyên bố sẽ xử phạt bất cứ công dân nào để các lối đi phía trước nhà hoặc cửa hàng bị ngập tuyết. Ngài thị trưởng đã không đùa khi nói như vậy.

Lúc 9 giờ 45 (giờ địa phương) ngày 29-1, khi ông Kerry đang tháp tùng Tổng thống Barack Obama dự đám tang Quốc vương Saudi Arabia Abdullah thì ở nhà, giới chức Boston đã “trân trọng” gửi tới nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phiếu phạt 50 USD vì không dọn sạch tuyết quanh dinh thự riêng theo quy định tại khu Beacon Hill ở thành phố Boston.

Theo Glen Johnson, phát ngôn viên của Ngoại trưởng Kerry, sở dĩ có việc này vì công ty chuyên dọn tuyết mà gia đình ông Kerry và một số gia đình khác trong khu phố thuê khi đến dọn dẹp đã thấy một tấm băng-rôn màu vàng chặn ngang lối đi dọc nhà ông Kerry.

Họ tưởng đó là thông báo liên quan tới vấn đề an ninh nên không thực hiện công việc theo yêu cầu. Tuy nhiên, dải băng đó chỉ là thông báo nhắc nhở người đi bộ về tình trạng băng tan và tuyết có thể gây nguy hiểm.

Cũng theo người phát ngôn, sau khi hiểu rõ vấn đề, công ty đã dọn dẹp tuyết trong toàn khu vực nhà Ngoại trưởng ngay vào cuối buổi sáng 29-1 và ông Kerry cũng đã nhanh chóng thanh toán hóa đơn tiền phạt 50 USD.

Con gái Tổng giám đốc Korean Air ra tòa

Scandal “hạt mắc-ca” có thể xem là vụ việc gây rất nhiều chú ý không chỉ với dư luận trong nước Hàn Quốc mà còn với dư luận thế giới thời gian qua. Có lẽ không chỉ vì nó liên quan tới một quan chức cấp cao ngành hàng không Hàn Quốc, mà còn bởi sự quyết liệt trong việc xử lý của giới hành pháp nước này.

Ngày 5-12 năm ngoái, cô Cho Hyun-ah đi máy bay ở khoang hạng nhất từ New York (Mỹ) tới Seoul (Hàn Quốc). Do tiếp viên phục vụ mang hạt mắc-ca cho cô đã để nó trong túi chứ không phải bày ra đĩa nên cô Cho đã nổi giận và có một loạt hành xử quá trớn như: bắt tiếp viên trưởng Park Chang-jin quỳ gối xin lỗi, đuổi anh này khỏi máy bay, yêu cầu đưa máy bay trở lại cửa khởi hành, xô đẩy một tiếp viên khác, v.v…

Với những cáo buộc của các công tố viên Hàn Quốc về việc vi phạm an toàn hàng không, cô Cho đã bị bắt giam và sau đó ra tòa. Liên quan tới vụ việc này, một số quan chức cao cấp trong ngành hàng không và giao thông vận tải cũng có liên đới do cố tình cung cấp thông tin, gây áp lực để các nhân chứng thay đổi lời khai nhằm giảm tội cho con gái tổng giám đốc Korean Air.

Phiên tòa xử cô Cho Hyun-ah diễn ra vào ngày 30-1. Tại phiên tòa, Chủ tịch Korean Air, ông Cho Yang-ho, đã thừa nhận: “Dù vì bất cứ lý do gì thì việc đuổi tiếp viên ra khỏi máy bay vẫn là sai”.

Ông Cho Yang-ho gửi lời xin lỗi tới các tiếp viên liên quan, tới toàn bộ nhân viên công ty và xin lỗi đã gây ồn ào dư luận vì hành vi sai lầm của con gái, đồng thời khẳng định: “Tất cả là lỗi của nó vì nó không kiềm chế được cảm xúc bản thân”. Ông Cho Yang-ho cũng cam kết sẽ có những cải cách về văn hóa công sở trong ngành hàng không sau vụ việc này.

Trước đó, cô Cho Hyun-ah đã bị giam giữ 30 ngày kể từ 30-12 năm ngoái. Nếu bị kết án, cô có thể phải đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù. Báo chí và dư luận Hàn Quốc cho rằng, cô Cho đã làm xấu thể diện quốc gia. Họ đánh giá cô là trường hợp điển hình cho những con, cháu các ông chủ tập đoàn gia đình kiểm soát nền kinh tế Hàn Quốc; được chiều chuộng, sống sung sướng từ nhỏ nên kiêu ngạo, hống hách, không coi ai ra gì.

Trước câu chuyện ra tòa của cô con gái Chủ tịch Korean Air, có người khen ông bố nghiêm minh, không che chắn hay dung thứ cho hành vi ngỗ ngược của con gái; có người ca ngợi các công tố viên Hàn Quốc thẳng tay trong hành pháp, giữ cán cân công lý…

Với hai câu chuyện nói trên, sự nghiêm minh của thành phố Boston khi xử phạt ngoại trưởng John Kerry hay án phạt cần phải có với hành xử ngược ngạo của “cô tiểu thư ngành hàng không”, dù thế nào vẫn là một “sự lạ” trong tâm thế đón nhận của người đọc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.