Quốc tế
Thỏa thuận Minsk làm châu Âu thở phào
Sau 17 tiếng đồng hồ đàm phán căng thẳng, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine ngày 12-2 đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm kết thúc cuộc xung đột ở đông Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande chúc mừng nhau khi đàm phán 4 bên đạt được thỏa thuận. Ảnh: AP |
Đàm phán marathon kéo dài từ đêm 11-2 đến ngày 12-2 với sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tổng thống Pháp Hollande gọi thỏa thuận vừa đạt được tại thủ đô Minsk của Belarus, theo một sáng kiến hòa bình do Paris và Berlin đề xuất, là “sự thở phào đối với châu Âu”, dù trước đó có rất nhiều quan ngại về khả năng thành công của đàm phán 4 bên. Những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel đã mang lại triển vọng hòa bình cho khu vực đông Ukraine, nơi mà các cuộc giao tranh kéo dài gần 10 tháng qua làm gần 5.400 người chết. Song, theo ông Hollande, có rất nhiều việc phải làm để thực hiện thỏa thuận, tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng thỏa thuận này thật sự là cơ hội để cải thiện tình hình.
Reuters cho biết, thỏa thuận bao gồm việc ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15-2 tới, sau khi các bên rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng chiến sự. Cụ thể, từ ngày 15-2, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai sẽ rút vũ khí hạng nặng cách đều giới tuyến để tạo thành một khu vực an toàn.
Các nhà lãnh đạo 4 bên còn thống nhất thành lập một khu vực phi quân sự tại miền đông và quy chế tương lai của vùng Donbass (Donetsk và Lugansk) ở miền đông. Tuyên bố chung nêu rõ: Các bên đã cam kết tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hòa bình là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay. Bên cạnh đó, để kiểm soát thỏa thuận Minsk không bị “chết yểu” như thỏa thuận hồi tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo 4 nước thống nhất thành lập một cơ chế kiểm soát cũng theo thể thức Normandie. Thực tế cho thấy, điều quan trọng vẫn là việc thực thi thỏa thuận, các bên có tuân thủ những điều kiện đặt ra hay không.
Ngoài ra, lực lượng nổi dậy phải tổ chức bầu cử địa phương theo luật của Ukraine. AP gọi điều khoản này là chiến thắng đối với chính phủ Kiev.
Ông Steffen Seibert, người phát ngôn Thủ tướng Đức, cũng nhận định rằng, thỏa thuận Minsk lần này mang đến hy vọng cho đông Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng, thỏa thuận không phải là tất cả những gì Berlin mong muốn nhưng đây là bước đi cần thiết để chấm dứt bạo lực và hướng tới giải pháp chính trị. Ông Steinmeier mô tả tiến trình đàm phán đã diễn ra khó khăn, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên sẽ không có bất kỳ động thái nào hủy hoại kết quả đạt được. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận các bên đã cố gắng thống nhất những vấn đề chính.
Là người đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình cho đông Ukraine, Thủ tướng Đức Merkel gọi thỏa thuận là “bước đột phá”, dù đây chưa phải là “giải pháp toàn diện”. Bà Merkel chủ trương bằng mọi cách phải thống nhất giải pháp đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bởi nếu đàm phán thất bại, Mỹ có thể sẽ quyết định cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo bà, động thái này sẽ đẩy cuộc xung đột leo thang, làm gia tăng căng thẳng Đông - Tây và đây là điều mà châu Âu không hề muốn.
Ban đầu, ngay trước thềm đàm phán, hy vọng về những “cái bắt tay” ở Minsk rất mong manh. Chính phủ Ukraine muốn thúc đẩy ngừng bắn nhưng lại không chịu đàm phán trực tiếp với quân ly khai. Còn lực lượng ly khai được cho là thân Nga lại khó đồng ý ngừng bắn. Valeriy Chaly, trợ lý của Tổng thống Ukraine, thậm chí cho rằng đàm phán 4 bên là “trận chiến căng thẳng”.
Những thông tin về thành công của đàm phán 4 bên đến trong lúc Ukraine đề xuất gói cứu trợ 40 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để cứu đất nước này khỏi sụp đổ về tài chính. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nói rằng, cơ quan của bà đã đồng ý gói cứu trợ này.
BÌNH YÊN