Quốc tế

Châu Âu chia rẽ

08:13, 20/03/2015 (GMT+7)

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu không mong muốn có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bất chấp áp lực từ Mỹ.

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong cuộc tuần hành và chương trình hòa nhạc ở trung tâm Mátxcơva nhân kỷ niệm 1 năm ngày Crimea được sáp nhập vào Nga.  			Ảnh: AFP
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong cuộc tuần hành và chương trình hòa nhạc ở trung tâm Mátxcơva nhân kỷ niệm 1 năm ngày Crimea được sáp nhập vào Nga. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng Ukraine phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 19 và 20-3 tại Brussels (Bỉ). Trong khi một số nước EU đề xuất gia tăng biện pháp trừng phạt Nga, có 7 nước hiện phản đối việc trừng phạt Mátxcơva và cho rằng chính sách này là sai lầm. 7 nước này bao gồm: Ý, Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus, Tây Ban Nha, Áo, Hungary và Slovakia.

Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades và Thủ tướng Ý Matteo Renzi đều đã đến thăm Nga. Tháng 4 tới, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng sẽ đến Mátxcơva. AP cho biết, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics bày tỏ hy vọng lần nhóm họp này không bàn thảo các biện pháp, cũng không đưa ra bất kỳ quyết định nào chống lại Nga, trong lúc thỏa thuận Minsk đang được các bên thực thi.

Dự thảo tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh EU khẳng định các nhà lãnh đạo liên minh này ủng hộ tiến trình hòa bình của thỏa thuận Minsk và kêu gọi Nga có trách nhiệm thực thi thỏa thuận. EU cũng sẽ đề nghị thúc đẩy khả năng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc giám sát lệnh ngừng bắn ở đông Ukraine, nơi có hơn 6.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài giữa quân chính phủ Kiev với lực lượng ly khai.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU lo ngại Nga sẽ có những biện pháp trả đũa khiến châu lục già cỗi này thiệt hại về kinh tế, nhất là đối với vấn đề khí đốt. Gói biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đang áp đặt với Nga sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Vì vậy, Anh, Ba Lan và các nước vùng Baltic đều muốn gia hạn các biện pháp cấm vận Nga trên các lĩnh vực: năng lượng, tài chính và quốc phòng.

Hiện tại, EU áp đặt lệnh cấm thị thực và “đóng băng” tài sản đối với 150 cá nhân, nhằm vào các quan chức cấp cao cùng 37 thực thể của Nga như các ngân hàng, công ty và các nhóm ly khai. Lệnh phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực này đã được gia hạn đến ngày 15-9. Cuối tuần qua, Mỹ đưa thêm một số cá nhân vào “danh sách đen” bị trừng phạt. Các quan chức Mỹ đang ở Brussels muốn hợp tác với EU trong việc áp đặt các biện pháp cấm vận này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đang tìm sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande về sáng kiến gia tăng trừng phạt Nga. Theo đó, ông Tusk muốn duy trì án phạt cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Ông là một trong những người chỉ trích gay gắt vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng đề xuất của vị chính khách này không nhận được sự đồng thuận từ một số thành viên.

Một số nhà ngoại giao của châu Âu cho hay, nếu không thể giải quyết được bất đồng, EU sẽ ra tuyên bố chỉ dỡ bỏ cấm vận khi Nga thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk. Phát biểu trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định châu Âu sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. “Chúng tôi không thể và sẽ không dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt sẽ hết hạn vào tháng 7 hoặc tháng 9 tới cho đến khi các điều kiện của thỏa thuận Minsk được đáp ứng”, bà Merkel nói.

Về phía Ukraine, theo AP, nước này đang thúc giục EU duy trì việc trừng phạt nhằm gây áp lực cho Nga. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố tình dùng vấn đề Ukraine để gây chia rẽ EU và cho rằng đây sẽ là “thảm họa của thế giới tự do”. Tuy nhiên, đến nay, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine.

THIÊN BÌNH

.