Quốc tế

Thủ tướng của lòng dân

07:43, 24/03/2015 (GMT+7)

Năm 2013, khi trả lời phỏng vấn tờ Strait Times, ông Lý Quang Diệu cho biết, điều ông thấy hài lòng nhất khi nhìn lại cuộc đời của mình là sự phát triển của đất nước Singapore hôm nay.

Bức tranh vẽ bằng 18.000 lượt tên ông Lý Quang Diệu được viết tay của Ong Yi Teck.
Bức tranh vẽ bằng 18.000 lượt tên ông Lý Quang Diệu được viết tay của Ong Yi Teck.

Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore từ năm 36 tuổi (1959) và liên tục tái đắc cử, nắm quyền đến năm 1990.

Vị thủ tướng huyền thoại

Là quốc đảo từng thuộc Anh, Singapore đã trải qua chặng đường chuyển mình với vô vàn khó khăn. Không tài nguyên khoáng sản (thậm chí nước ngọt cũng phải nhập), nhưng nhờ những lộ trình phát triển phù hợp dưới tài lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, quốc đảo nghèo nàn đã trở thành quốc đảo sư tử. Đến nay, không ai có thể phủ nhận rằng, Singapore hiện là một trong những quốc gia giàu có, ổn định và an toàn nhất thế giới.

Người Singapore đặt niềm tin vào ông Lý Quang Diệu bởi sự thẳng thắn, cương trực và tinh thần tự cường rất rõ ràng. Có lẽ hiếm chính khách nào dám tuyên bố thẳng thừng việc từ chối hưởng viện trợ nước ngoài như Thủ tướng Lý Quang Diệu. Và có lẽ cũng không nhiều chính khách như ông Lý từng “cảm ơn cái nghèo” thuở ban đầu khi mà nhờ nó, cả ông lẫn nhiều thế hệ người dân Singapore đã phải nỗ lực hết sức để có thể tự đứng được trên đôi chân mình.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị ca ngợi ông Lý Quang Diệu ở tính kiên định, thống nhất, khả năng vận hành một đất nước theo hiến pháp, pháp luật chặt chẽ. Thủ tướng đương nhiệm Singapore Lý Hiển Long - con trai cả của ông Lý Quang Diệu - có lần chia sẻ về bài học lãnh đạo sâu sắc nhất mà ông học được từ cha mình là “phải biết mình muốn gì và đừng nghe theo lời người khác cũng như đám đông”. Quyết định đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ sử dụng bắt buộc trong trường học từ những ngày Singapore còn căng thẳng khi đối mặt với các mâu thuẫn cộng đồng dân tộc có lẽ là một trong những lựa chọn quyết liệt nhất của ông Lý Quang Diệu mà đến nay đã hiển hiện hiệu quả.

Trong suốt nhiều thập niên giữ cương vị thủ tướng, ông Lý Quang Diệu hầu như không thay đổi lựa chọn trong việc điều hành đất nước. Ông lắng nghe ý kiến của người dân và đặt những vấn đề có lợi cho dân, từ những việc nhỏ nhất, sát sườn nhất của họ trở thành ưu tiên hàng đầu cần được xem xét.

Phía sau một người đàn ông thành đạt...

Trong hôn nhân, ông Lý Quang Diệu chưa từng thay lòng đổi dạ với người bạn đời của mình. Không giống nhiều đàn ông gốc Hoa gia trưởng, độc đoán chỉ thích lấy vợ có trình độ kém hơn, kiếm được ít tiền hơn và tuổi cũng nhỏ hơn, ông “nghiêng ngả” trước người bạn gái Kha Ngọc Chi khi họ học cùng nhau tại Trường Đại học Raffles College, một ngôi trường danh giá bậc nhất tại Singapore.  

Hai ông bà đã trải qua cuộc hôn nhân suốt hơn 60 năm mà không một scandal tình ái nào. Chưa kể vào những năm cuối đời, bà Chi bị bệnh hiểm nghèo, phải nằm liệt trên giường 2 năm trước khi qua đời, dù ông bà đã có tới 3 mặt con nhưng ông Lý Quang Diệu vẫn muốn tự tay chăm sóc bà mỗi ngày.
Phu nhân của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng học Luật tại Đại học Cambridge (Anh) sau khi giành được học bổng của Hoàng gia Anh. Bà lặng lẽ, khiêm nhường, tự nguyện lui về làm hậu phương vững chắc chăm sóc 3 người con là Hiển Long, Vỹ Linh và Hiển Dương. Đúng như người ta vẫn nói: “Phía sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng một người phụ nữ”.

Bức tranh đặc biệt

Với những đóng góp của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu với đất nước và nhân dân Singapore thì không ngạc nhiên khi hình ảnh ông trở thành niềm cảm hứng sáng tác vô tận với nhiều thế hệ nghệ sĩ Singapore.

Năm 2008, họa sĩ Ben Puah giới thiệu triển lãm riêng với tên gọi “Hero” (Anh hùng) gồm các bức chân dung về ông Lý tại Gallery Forth. Cũng tại đây, một năm sau đó, họa sĩ Richard Lim Han khai trương triển lãm cá nhân có tên “Singapore Guidance Angel” (Thiên thần dẫn lối Singapore) cũng với các chân dung cựu Thủ tướng. Năm 2010, phòng tranh nghệ thuật Valentine Willie đã mời 19 họa sĩ trong nước cùng tham gia vẽ những bức họa cho thấy hình dung của họ về tương lai của Singapore nếu không có ông Lý với tên triển lãm là “Beyong LKY” (tạm dịch: Khi không có Lý Quang Diệu)…

Nhưng có lẽ câu chuyện mới nhất khiến nhiều người cảm động là bức tranh của Ong Yi Teck (20 tuổi) đang được phổ biến rất nhanh trên mạng Internet khi tình hình sức khỏe của ông Lý Quang Diệu ngày càng yếu đi.

Ong Yi Teck đã chọn thể hiện tình cảm với vị thủ tướng đầu tiên của dân tộc một cách rất riêng: anh viết đi viết lại 18.000 lần tên ông Lý Quang Diệu lên một tờ giấy khổ A2 theo các đường nét bố cục để rốt cuộc hiện lên gương mặt hiền từ của cựu lãnh đạo này.

Chỉ một ngày sau khi đưa bức tranh được đặt trên trang Instagram (ngày 20-3), tác phẩm của Ong Yi Teck đã được hàng ngàn lượt chia sẻ. CNA dẫn lời Ong Yi Teck cho biết: “Thế hệ chúng tôi không giống thế hệ cha mẹ mình, không được tận mắt chứng kiến giai đoạn chuyển mình của Singapore, nhưng trong mắt tôi, ông Lý như một huyền thoại, một hình ảnh mang tính biểu tượng mà tất cả người dân Singapore sẽ luôn nhớ. Thông qua tác phẩm của mình, tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính và trân trọng về sự đóng góp của ông Lý đối với đất nước”.

Chính bởi tình cảm đặc biệt này nên khi nghe tin ông Lý Quang Diệu cấp cứu trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, Ong Yi Teck đã muốn làm một việc gì đó dành tặng ông. Suốt 15 giờ liền viết tay khoảng 18.000 lượt tên ông, Ong Yi Teck đã hoàn thành bức chân dung cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.