Quốc tế

Quan hệ Mỹ - Cuba: Kỷ nguyên mới thời hậu Chiến tranh Lạnh

07:37, 21/07/2015 (GMT+7)

Ngày 20-7, quốc kỳ Cuba tung bay tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ khi đại sứ quán của mỗi nước được thiết lập trở lại, đánh dấu việc Washington và Havana chính thức khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao, mở ra kỷ nguyên mới thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Quốc kỳ Cuba được cắm bên cạnh quốc kỳ các nước khác bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.  								           Ảnh: AFP
Quốc kỳ Cuba được cắm bên cạnh quốc kỳ các nước khác bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên kể từ năm 1961, quốc kỳ của Cuba được treo trên đại sứ quán của nước này mới được nâng cấp tại Washington, tọa lạc chỉ cách Nhà Trắng vài bước chân, khép lại những thập niên đối đầu giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.

Lễ thượng cờ chính thức tại đại sứ quán của Cuba được tổ chức lúc 10 giờ 30 ngày 20-7 (giờ địa phương), với sự hiện diện của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. Quốc kỳ của quốc đảo Caribbe cũng được cắm cạnh quốc kỳ các nước khác bên ngoài tòa nhà Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington D.C. AFP cho rằng, đây là di sản ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ với Cuba.

Theo Reuters, trong một động thái mang tính lịch sử khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chính thức tiếp ông Rodriguez trước khi hai nhà ngoại giao tổ chức họp báo chung. Ông Rodriguez là Ngoại trưởng Cuba đầu tiên thăm chính thức Mỹ kể từ cuộc Cách mạng Cuba vào năm 1959. Dự kiến ông Kerry sẽ thăm Cuba vào tháng 8 tới và lúc đó Đại sứ quán Mỹ ở Havana sẽ tiến hành lễ thượng cờ, mặc dù cơ quan này cũng được mở cửa trở lại vào ngày 20-7.

“Chúng tôi muốn Ngoại trưởng (John Kerry) chứng kiến các sự kiện quan trọng này”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về vấn đề Mỹ Latinh Roberta Jacobson khẳng định: Các nhà ngoại giao Mỹ được đi lại tự do trên khắp đất nước Cuba.

Việc tái lập quan hệ giữa Mỹ và Cuba được công bố vào ngày 17-12-2014, khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro gặp gỡ, thống nhất kết thúc tình trạng “đóng băng”, hướng đến bình thường hóa quan hệ hoàn toàn. Hàng loạt cuộc đàm phán giữa Washington và Havana đã diễn ra trước và sau đó, dẫn đến khoảnh khắc lịch sử trong ngày 20-7. Mỹ hiểu rằng, chính sách thù địch mà cường quốc này áp đặt với Cuba thông qua các biện pháp cô lập và cấm vận kinh tế đã thất bại.

Song, theo AFP, cả Mỹ lẫn Cuba đều khuyến cáo rằng, việc khôi phục hoàn toàn quan hệ chỉ mới bắt đầu và việc vượt qua nhiều thập niên thù địch là điều không dễ dàng. “Vẫn có nhiều vấn đề mà chúng tôi chưa tìm được sự đồng thuận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.

Nhà phân tích Ted Piccone tại Viện Brookings nhận định: Cuba cần Mỹ như một động lực kinh tế cho nền kinh tế đang gặp khó khăn và hy vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài… Ông Ted Piccone còn cho rằng, việc xây dựng niềm tin giữa hai nước là điều cốt yếu.

Trong khi đó, nói về việc quốc kỳ Cuba được tung bay ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà ngoại giao - nhà phân tích của Havana Carlos Alzugaray mô tả đây là khoảnh khắc lịch sử nhưng những công việc thật sự khó khăn đối với hai nước bây giờ mới bắt đầu. “Ý nghĩa của việc mở cửa lại đại sứ quán là xây dựng lòng tin và sự tôn trọng… Điều này không có nghĩa là sẽ không còn những bất đồng song phương nhưng cách mà Mỹ và Cuba giải quyết các bất đồng đã hoàn toàn thay đổi”, ông Alzugaray nhấn mạnh.

Quan hệ giữa Mỹ và Cuba bị gián đoạn từ năm 1961, dưới thời Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower. Một trong những vấn đề hiện còn sự khác biệt giữa Mỹ và Cuba là quan điểm về nhân quyền, tự do tôn giáo và tự do báo chí. Nhiều người Mỹ cũng yêu cầu Cuba bồi thường vì việc tịch thu các tài sản của Washington sau cuộc cách mạng năm 1959 do ông Fidel Castro lãnh đạo.

Washington còn muốn bảo đảm việc dẫn độ một số nhân vật bị Mỹ truy nã; đứng đầu danh sách là bà Joanne Chesimard, cựu thành viên của nhóm Giải phóng người da đen, người phụ nữ đầu tiên bị đưa vào danh sách truy nã khủng bố hàng đầu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Chesimard bị cáo buộc đã giết một cảnh sát ở New Jersey năm 1973 và trốn tại Cuba kể từ năm 1984 đến nay.

Về phía Cuba, Chủ tịch Raul Castro thúc giục Tổng thống Obama dùng quyền của mình để gỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế được áp đặt đối với Havana từ năm 1960. Ông Raul Castro gọi đây là trở ngại chính trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

PHÚC NGUYÊN

.