Quốc tế

Bầu cử ở Singapore: Phép thử chính sách giảm lao động nhập cư

07:44, 09/09/2015 (GMT+7)

Ngày 11-9 tới, cử tri Singapore sẽ đi bỏ phiếu. Không chỉ bầu ra một chính phủ mới mà lá phiếu của họ còn là sự đánh giá về chính sách xoay trục của chính phủ với mô hình kinh tế dựa trên hai nhân tố: giảm lao động nước ngoài và đổi mới, phát triển.

Các công nhân treo băng-rôn ủng hộ Đảng Hành động nhân dân (PAP) trước ngày bầu cử 11-9 tại Singapore.  Ảnh: Getty Images
Các công nhân treo băng-rôn ủng hộ Đảng Hành động nhân dân (PAP) trước ngày bầu cử 11-9 tại Singapore. Ảnh: Getty Images

Theo báo Wall Journal Street, nhiều năm qua, với chính sách chào đón lao động nhập cư, từ một cảng thương mại với rất nhiều khu nhà ổ chuột, Singapore đã trở thành quốc gia giàu có, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng nay, một mặt vừa phải lo thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại, mặt khác căn cứ tình hình chính trị trước cuộc tổng tuyển cử, các chính trị gia Singapore đang thực hiện nhiều bước để giảm bớt tốc độ nhập cảnh của lao động nước ngoài.

Không chỉ là vấn đề kinh tế

Thực tế cho thấy, quá nhiều người dân Singapore bức xúc về tình trạng dân cư quá tải ở đảo quốc sư tử. Với tình trạng người lao động nước ngoài ào ào đổ về Singapore trong nhiều năm qua, từ tổng số 4 triệu dân năm 2000, Singapore hiện có 5,5 triệu dân, tăng 1,5 triệu dân trong 5 năm với rất nhiều lao động trí thức và lao động chân tay nước ngoài.

Cùng với đó, giới chính khách cũng như chuyên gia kinh tế của Singapore ngày càng thống nhất quan điểm: nền kinh tế của Singapore đã đủ sức thoát khỏi mô hình kinh tế của nước đang phát triển để tập trung đổi mới và giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Sự thay đổi này sẽ gây tác động đến hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Singapore và hơn 1 triệu người nước ngoài. Và ngày 11-9 tới, cử tri Singapore sẽ đưa ra đánh giá rằng, chính sách xoay trục kinh tế của chính phủ có khả thi hay không.

Chiến lược phát triển nói trên của Singapore từng có trong chương trình nghị sự của chính phủ ít nhất từ năm 2010, sau đó được xới lại vào năm 2011. Đó là thời điểm Đảng Hành động nhân dân (PAP) - đảng cầm quyền ở Singapore - chỉ giành thắng lợi với 60,1% trong cuộc tổng tuyển cử, mức thấp nhất trong lịch sử của đảng này. Nguyên nhân do cử tri phản ứng với tình trạng quá tải dân cư và mức sống sa sút. Vì vậy, trong năm 2014, chính phủ Singapore đã siết chặt hơn vấn đề người nhập cư.

Kết quả cuộc bầu cử lần trước là hồi chuông cảnh báo với PAP của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cầm quyền từ năm 1965, và nay do con trai ông là Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long lãnh đạo. Ông Lý Hiển Long đã tỏ ý quyết tâm ngăn chặn tình trạng trượt dốc trong kết quả bầu cử.

Có thể trong mắt nhiều quốc gia khác, Singapore đã trở thành mẫu hình lý tưởng để học hỏi. Nhưng khi tốc độ phát triển chậm lại, các nhà lãnh đạo của nước này tin rằng những gì đã làm vẫn chưa đủ. Họ muốn tiên phong trong các công nghệ mới mà ở đó, những người dân Singapore phải trở thành lực lượng nòng cốt.

Giảm lao động có làm tăng năng suất?

Chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á Hozefa Topiwalla của hãng dịch vụ tài chính toàn cầu Morgan Stanley nhận định: “Điều mà Singapore đang hướng tới là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn Singapore là nơi đặt các trụ sở chính toàn cầu của họ, chứ không chỉ dùng nơi này làm địa điểm cho các chi nhánh hay văn phòng đại diện của khu vực châu Á”.

Còn theo GS Linda Lim của Đại học Michigan, chuyên gia kinh tế chính trị khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải giảm phụ thuộc vào những chính sách ưu đãi thuế và các khoản tài trợ hào phóng của Singapore, phụ thuộc nhiều hơn vào những lợi thế tự nhiên của chính họ. Còn với thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế tự do, các doanh nghiệp sẽ phải đặt tại Singapore những hoạt động kinh doanh phù hợp với đặc điểm tài nguyên của nước này - những lợi thế so sánh và những lợi thế cạnh tranh như: cơ sở hạ tầng, các tổ chức doanh nghiệp và vị trí địa lý”.

Chính phủ Singapore cũng sẽ ủng hộ mạnh mẽ các công nghệ mới như công nghệ sinh học và robot, khuyến khích các công ty tự động và đơn giản hóa các quy trình sản xuất. Theo các nhà hoạch định chính sách, việc giảm lượng lao động nhập cư giá rẻ nước ngoài sẽ tạo tình trạng khan hiếm lao động, theo đó tạo sức ép thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất.

Để làm như thế, Singapore đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nhập cư như giới hạn mức lao động nước ngoài trong một số ngành công nghiệp. Năm nay, Singapore đã tăng quy định về mức lương tối thiểu để người lao động nước ngoài có thể đưa gia đình đến Singapore: từ 4.000 đô-la Singapore lên 5.000 đô-la Singapore (3.550 USD/tháng). Ngoài ra, Singapore còn siết chặt thêm yêu cầu về thủ tục khi người nước ngoài muốn trở thành cư dân thường trú hay công dân của Singapore...

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi khả năng thành công của Singapore trong chính sách giảm phụ thuộc sâu vào lao động nước ngoài, ít nhất là ngăn giảm sâu thêm mức tăng trưởng kinh tế được dự đoán chỉ từ 2 - 2,5% năm nay.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.