.

Bộ Quốc phòng Mỹ-Nga bàn chuyện can thiệp quân sự ở Syria

.

ĐNĐT - Xác định Nga đưa chiến đấu cơ tới Syria nhằm hậu thuẫn cho chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad, ngày 18-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã gọi điện cho người đồng cấp Nga để thảo luận việc nối lại đàm phán nhằm tránh việc chạm trán giữa Nga với Mỹ trên bầu trời Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu (trái) và người đồng cấp Mỹ Ash Carter. Ảnh: RiaNovosti
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu (trái) và người đồng cấp Mỹ Ash Carter. Ảnh: RiaNovosti

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, có 4 máy bay chiến đấu chiến thuật “Flankers” của Nga tại Syria. Một quan chức khác lại từ chối đưa ra số lượng nhưng nói là có nhiều chiến đấu cơ của Nga tại Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nói với ông Sergey Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga rằng, các chiến dịch không quân của máy bay chiến đấu Nga và Mỹ có thể dẫn đến sự đối đầu trong một không phận hạn hẹp của Syria.

Hiện, Mỹ đang hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria chống lại chính phủ của ông Assad. Đồng thời, Mỹ cũng đang dẫn đầu lực lượng không kích của NATO tại Syria nhằm vào lực lượng ISIS. Mỹ coi việc ông Assad, một đồng minh của Nga, phải từ chức là điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc nội chiến Syria.

Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho rằng, việc Nga triển khai các hoạt động quân sự tại Syria thể hiện các cam kết mà chính phủ Nga đã ký kết với chính phủ Syria.

Theo phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Peter Cook, trong cuộc điện đàm ngày 18-9, hai phía đã đồng ý sẽ tổ chức các cuộc đàm phán nhằm thảo luận các cơ chế làm giảm xung đột tại Syria và chống lại ISIS.

Ông Carter đã nói với ông Shoigu rằng, các cuộc tham vấn trong tương lai nên được tiến hành song song “với các cuộc hội đàm ngoại giao nhằm đảm bảo một sự chuyển giao chính trị tại Syria”. Ông lưu ý rằng, việc đánh bại ISIS và đảm bảo một sự chuyển giao chính trị tại Syria là các mục tiêu cần được theo đuổi cùng lúc.

Mặc dù các cuộc điện đàm đã được tiến hành, tuy nhiên, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mark Toner cho rằng, các động thái mới này không phải là tín hiệu của một giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ.  

Quang Hiển (theo Reuters, CNN)

;
.
.
.
.
.