Cuộc bỏ phiếu chóng vánh trong nội bộ Đảng Tự do vào tối 14-9 mang lại cho Úc một Thủ tướng mới và người tiền nhiệm Tony Abbott phải rời “ghế nóng” chỉ sau 2 năm ngắn ngủi điều hành đất nước.
Tân Thủ tướng Malcolm Turnbull (trái) đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của Phó Chủ tịch Đảng Tự do Julie Bishop. Ảnh: AFP |
Ngày 15-9, ông Malcolm Turnbull, tân Chủ tịch của Đảng Tự do, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng với cam kết sẽ thổi “luồng gió mới” để tạo ra nền kinh tế năng động, thay cho nền kinh tế đang có dấu hiệu ảm đạm và chấm dứt chính sách bảo thủ chia rẽ dưới thời người tiền nhiệm. Như vậy, ông Turnbull là Thủ tướng thứ 29 của Úc và là Thủ tướng thứ năm của “xứ sở chuột túi” trong vòng 8 năm qua.
Tân Thủ tướng 60 tuổi cũng nói rằng, ông không kêu gọi bầu cử sớm để củng cố quyền lực và Quốc hội sẽ hoạt động hết nhiệm kỳ, nghĩa là cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra theo dự kiến vào tháng 9-2016.
Ông Abbott đã chính thức từ chức trước Toàn quyền Peter Cosgrove. Việc ông phải rời “ghế nóng” chỉ sau 2 năm nắm quyền đánh dấu sự thất bại khi tỷ lệ cử tri ủng hộ cứ giảm dần theo thời gian, thậm chí chỉ còn 40%, mức thấp nhất đối với một Thủ tướng trong lịch sử của Úc. AFP cho biết, cựu Thủ tướng Abbott không phát biểu với báo chí kể từ khi bất ngờ bị Bộ trưởng Truyền thông dưới quyền của mình, cũng từng là đồng minh “soán ngôi”.
Trước đó, ông đã phải chịu nhiều sức ép khi có những đồn đoán về vai trò lãnh đạo bị suy yếu và quan ngại về năng lực điều hành của chính phủ liên minh theo đường lối bảo thủ. Ông Turnbull khi làm Bộ trưởng từng thách thức vị trí của Thủ tướng đương nhiệm rằng, nếu ông Abbott vẫn tại vị thì sẽ tạo cơ hội cho Công đảng đối lập “xoay chiều” và chiếc ghế Thủ tướng có thể thuộc về lãnh đạo Công đảng Bill Shorten trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2016.
Song, dù thất bại đã được dự báo nhưng có lẽ ông Abbott cũng không ngờ số phận chính trị của mình thay đổi chỉ trong một đêm. Ông từng giành thắng lợi và lên nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9-2013 nhưng ngay trong chính sách đầu tiên: cắt giảm ngân sách đối với giáo dục và y tế, đã không được lòng cử tri. Năm 2014 và nửa đầu năm 2015, nền kinh tế Úc bị tác động nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế; tỷ lệ thất nghiệp ở Úc luôn ở mức cao: từ 6,4-6,5%.
Hãng AFP cho biết, không giống người tiền nhiệm và cũng không có tư tưởng bảo thủ, tân Thủ tướng Turnbull là người ôn hòa trong các vấn đề xã hội như ủng hộ hôn nhân đồng tính… Từng là luật sư, doanh nhân thành đạt và là một trong những người giàu có nhất nước Úc, ông Turnbull cam kết điều hành chính phủ trên cơ sở hợp tác, trái với nguyên tắc chia rẽ của ông Abbott.
Điều đáng nói là ông Turnbull có sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngoại trưởng Julie Bishop, người có ảnh hưởng trên chính trường Úc, vừa tái đắc cử Phó Chủ tịch Đảng Tự do. Bà Bishop cũng được kỳ vọng tiếp tục tham gia nội các.
Theo học giả về chính trị Nick Economou tại Đại học Monash ở Melbourne, còn quá sớm để nói Thủ tướng Turnbull có thể chinh phục được cử tri và tạo ra “phong cách lãnh đạo mới”, như ông từng tuyên bố hay không, nhất là khi trong nội bộ đảng cầm quyền đang chia rẽ. Tuy nhiên, một thăm dò được công bố vào ngày 15-9 cho thấy, ông Turnbull được ủng hộ để làm Thủ tướng hơn so với lãnh đạo Công đảng Bill Shorten với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 70% và 24%.
THIÊN BÌNH